Năm 2024, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã phối hợp thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lớn nhất trong 15 năm khi lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, năm nay bắt đầu với bối cảnh kinh tế không rõ ràng, buộc các nhà hoạch định chính sách phải điều chỉnh cẩn trọng.
Trong số các ngân hàng trung ương thuộc nhóm G10 – quản lý những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới – ba trong bốn ngân hàng đã họp vào tháng trước, bao gồm Thụy Điển, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Canada, đều tiếp tục cắt giảm lãi suất. Ngược lại, Nhật Bản – quốc gia hiếm khi tăng lãi suất – đã nâng lãi suất lần thứ hai trong chưa đầy một năm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Na Uy (NB) giữ nguyên lãi suất, trong khi các ngân hàng trung ương Úc, New Zealand và Thụy Sĩ chưa tổ chức cuộc họp nào. Ngân hàng Trung ương Anh đã quyết định cắt giảm lãi suất vào ngày 06/02.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng và ngay lập tức tung ra các đòn thuế quan thương mại, đồng thời lên kế hoạch xóa bỏ các thỏa thuận đa phương và quy định hiện hành. Ngân hàng trung ương Canada đã cảnh báo về những rủi ro đối với nền kinh tế nước này, trong khi Fed cũng chờ đợi những diễn biến mới từ Washington.

Trong số 18 thị trường mới nổi mà Reuters khảo sát, có ba ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và một ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 01/2025, sáu ngân hàng trung ương trong số này chưa tổ chức cuộc họp.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cắt giảm mạnh 250 điểm cơ bản, dù lãi suất vẫn ở mức cao ngất ngưởng 45%. Nam Phi và Indonesia đều chọn cách tiếp cận thận trọng với mức giảm chỉ 25 điểm cơ bản.
Trong khi đó, Brazil – vốn đang gặp khó khăn do lo ngại về gánh nặng nợ – đã nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp và dự kiến tiếp tục tăng vào tháng 3/2025. Ủy ban chính sách tiền tệ Copom đã nhất trí nâng lãi suất lên 13,25% trong cuộc họp đầu tiên dưới thời tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Gabriel Galipolo.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn giữ nguyên chính sách, chờ đợi tác động từ căng thẳng thương mại với Mỹ.

Ngoại trừ Nhật Bản, hầu hết các nền kinh tế lớn được dự báo sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay. Các quốc gia ở Châu Âu, Canada và Úc có thể sẽ giảm lãi suất mạnh nhất, đặc biệt nếu chiến tranh thương mại leo thang.