Nguy cơ “chạy đua hạ giá đồng tiền”
Chỉ trong thời gian ngắn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, Mỹ tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc… kéo theo giá vàng thế giới tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 năm qua, vượt ngưỡng 1.450 USD/ounce. Cùng với đó, lần đầu tiên tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm, ở mức 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Cùng với NDT, các đồng tiền chính trong khu vực châu Á cũng giảm theo. Trong đó, AUD (đô la Australia) giảm 0,5% xuống thấp nhất 7 tháng so với đồng USD. Đồng Won của Hàn Quốc và Đài tệ cũng lần lượt xuống thấp đáy 3 năm và 2 tháng. Với đồng Yên Nhật, hiện 1 USD đổi được 105,8 Yên, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019.
Về tỷ giá, dẫu với nhiều áp lực từ thị trường quốc tế song theo nhóm phân tích của SSI, với nhiều dư địa chính sách tiền tệ cùng nguồn dự trữ và nguồn cung ngoại tệ trong nước, tỷ giá USD/VNĐ nếu có biến động cũng sẽ nằm trong vùng dao động của đợt biến động cuối tháng 5 đầu tháng 6, tức là vùng từ 23.250 đến 23.350 đồng/USD.
Hiện nhiều nước đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến thị trường quốc tế để có chính sách tiền tệ phù hợp. Bên cạnh đó, do lo ngại tăng trưởng yếu, nhiều nước đã nới lỏng tiền tệ. Cụ thể, Ngân hàng T.Ư Brazil đã cắt giảm lãi suất từ mức thấp lịch sử trước đó là 6,5% xuống còn 6%.
Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc đang xem xét quyết định giảm lãi thêm để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Nhật Bản. Đầu tháng 7, Ngân hàng T.Ư Australia tiếp tục có lần thứ hai trong một tháng giảm lãi suất. Ngân hàng T.Ư Ấn Độ giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Và tính từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt ngân hàng T.Ư trên thế giới lần lượt giảm lãi suất như Iceland, Australia, New Zealand, Nga, Chile, Ấn Độ…, một trong những biện pháp nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“FED giảm lãi suất, đồng NDT mất giá có thể gây ra những tác động tâm lý, khiến cho một số ngân hàng T.Ư các nước phải xem xét để hành động. Tất nhiên, không đến mức là chiến tranh tiền tệ nhưng ngân hàng T.Ư các nước sẽ phải theo dõi và có những hành động nhất định. Chẳng hạn như sẽ để cho đồng tiền nội tệ của họ mất giá đi phần nào nhằm duy trì sức cạnh tranh” - chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét.
Chính sách linh hoạt
Với Việt Nam, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, cần hết sức bình tĩnh để theo dõi và không nên lao vào vòng xoáy của chiến tranh tiền tệ. Ông Lực phân tích, thứ nhất, chính sách tỷ giá của Việt Nam không có tác động nhiều đến xuất khẩu hay thương mại do cấu trúc nền kinh tế. Thứ hai, mỗi khi thay đổi chính sách tỷ giá, phải tính toán tổng hòa tác động nhiều mặt của nền kinh tế chứ không riêng hoạt động thương mại. Thứ ba, Việt Nam đã bị Mỹ liệt kê vào danh sách những nước bị theo dõi, giám sát về thao túng tiền tệ, vì thế chúng ta càng phải kiên định chính sách về tỷ giá hối đoái như thời gian vừa qua. Cuối cùng, ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá luôn luôn là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với những biến động của kinh tế thế giới về giá cả, lạm phát... Do đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ được điều chỉnh để vừa ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định VNĐ để đảm bảo lòng tin của người dân. Với những điều này, chính sách của Việt Nam luôn đòi hỏi một sự linh hoạt.
TS Bùi Quang Tín nhận xét, chính sách tiền tệ Việt Nam không hẳn thắt chặt cứng nhắc mà thực chất là vừa thắt, vừa nới khá linh hoạt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tìm cách giảm lãi suất, nỗ lực điều tiết chính sách tỷ giá để giữ ổn định tiền tệ, thận trọng trong việc điều tiết dòng tiền và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Mới đây, một loạt ngân hàng thương mại cũng vừa giảm nhẹ lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới ở các lĩnh vực như BĐS, chứng khoán hay tiêu dùng. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cách điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp bối cảnh trong nước và quốc tế. Trong đó nên tiếp tục tạo điều kiện về vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp và duy trì việc kiểm soát chặt chẽ với các lĩnh vực rủi ro.
Mở cửa phiên sáng 6/8, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức 1.465 USD/ounce, tăng hơn 20 USD/ounce so với chốt phiên cuối tuần trước. Thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng tiếp tục tăng mạnh cùng vàng thế giới, áp sát mốc 41 triệu đồng/lượng. Lúc 8 giờ 20, giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 40,5 – 40,75 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 40,5 – 40,77 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.
Nguồn:Kinh tế đô thị