Ngoại trừ một trường hợp chết ở Philippines (công dân Trung Quốc tới từ Vũ Hán), tất cả các ca tử vong cho tới thời điểm này đều ở Trung Quốc đại lục.
Số người chết vì virus corona ở riêng tâm điểm dịch ở Hồ Bắc tăng thêm 64 ca lên 414 người với 2.345 ca nhiễm mới cho tới hết ngày 3/2.
Nhiều thành phố lớn đã ra lệnh kéo dài kỷ nghỉ Tết, vốn kết thúc ngày 31/1. Nhiều trường học hoãn ngày mở cửa trở lại, trong khi nhiều công ty vẫn đóng cửa hoặc yêu cầu nhân viên làm việc từ xa để không phải đi lại.

Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp tại ít nhất 24 tỉnh thành nước này tiếp tục dừng hoạt động cho đến ngày 10/2. Đáng chú ý là các tỉnh thành này đóng góp hơn 80% tổng GDP và 90% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 của nền kinh tế số hai thế giới. Vì vậy, tình trạng trì hoãn việc trở lại với guồng quay kinh doanh, sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng và thương mại quốc tế của nền kinh tế Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2 cho biết nước này đang “cần gấp” khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, và kính an toàn, sau khi người dân đồng loạt mua khẩu trang phẫu thuật dùng một lần để dự trữ. Ngoài tỉnh Hồ Bắc với 50 triệu dân và là tâm điểm của dịch virus corona, nhiều tỉnh và thành phố khác trên khắp Trung Quốc đã bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu suy giảm. Các tỉnh này bao gồm Quảng Đông - tỉnh đông dân nhất ở Trung Quốc - và Tứ Xuyên, Giang Tây, Liêu Ninh, và thành phố Nam Ninh, với tổng dân số 300 triệu người.
Bệnh viện dã chiến đầu tiên ở Vũ Hán đã được hoàn tất, mang tên Hỏa Thần Sơn, và “đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân” vào ngày 3/2. 1.400 nhân viên quân y sẽ được cử tới Vũ Hán.
Ngoài ra, 68 đội y tế gồm 8.300 người đã được cử tới tỉnh Hồ Bắc. Giá cổ phiếu trên sàn Thượng Hải giảm gần 8% ngày 3/2 - ngày mở cửa trở lại đầu tiên sau Tết. Tuy vậy, chỉ số Dow Jones của Mỹ tăng 0,5%.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vừa xác nhận thêm một trường hợp dương tính với virus corona, nâng tổng số ca nhiễm bệnh được phát hiện trong nước lên 9 người.
Bệnh nhân thứ 9 trú tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Người này nằm trong số 8 công nhân được Công ty Nihon Plast Vietnam cử sang Vũ Hán đào tạo cách đây 2 tháng. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã về Tam Đảo để triển khai các biện pháp phòng dịch tại gia đình bệnh nhân này.
Tính đến tối 3/2, Việt Nam ghi nhận có 9 trường hợp mắc virus corona. Trong đó, 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 5 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi); 1 công dân Việt Nam là lễ tân khách sạn có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 Việt kiều bay từ Mỹ về Việt Nam quá cảnh ở Vũ Hán trong vòng 2 tiếng.
Để ngăn ngừa lây nhiễm, UBND tỉnh đã chỉ đạo ban quản lý các khu công nghiệp bám sát tình hình di biến động của lao động người nước ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất phải tự lập chốt kiểm soát sức khỏe của công nhân. Nếu có dấu hiệu sốt thì bắt buộc phải chuyển ra cơ sở y tế.
Một số thông tin liên quan
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích cách các nước đối xử với công dân Trung Quốc sau khi dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (nCoV) bùng phát. Bà chỉ đích danh Mỹ, nhấn mạnh thay vì hỗ trợ cho Trung Quốc chống dịch, Mỹ lại tạo ra và gieo rắc nỗi sợ hãi trên thế giới.
Mỹ là quốc gia đầu tiên rút về nước một số nhân viên ngoại giao tại Trung Quốc và tại Vũ Hán - tâm dịch nCoV. Mỹ cũng là nước đầu tiên ra lệnh cấm nhập cảnh với toàn bộ công dân Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.
"Tất cả những gì người Mỹ làm là gieo rắc nỗi sợ hãi và những thứ vừa nhắc là minh chứng", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra gay gắt. "Điều mà chúng tôi cần khẩn cấp nhất bây giờ là khẩu trang y tế, quần áo và kính bảo hộ".
Bà Hoa Xuân Oánh lập luận Bắc Kinh tôn trọng các biện pháp đảm bảo an toàn của các nước trước dịch bệnh, song chính phủ các nước cần đưa ra những giải pháp hợp lý, bình tĩnh và dựa trên khoa học thay vì cảm tính.
Theo thống kê của đài CGTN thuộc Chính phủ Trung Quốc, tính đến ngày 3-2 đã có 8 nước cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh, 12 quốc gia khác áp dụng các biện pháp hạn chế và hàng chục hãng bay ngừng đường bay tới Trung Quốc.
Ngày 4/2, một số báo chí đưa tin Trung Quốc đã đồng ý cho phép các chuyên gia y tế Mỹ vào nước này theo phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới để nghiên cứu và giúp đối phó với dịch virus gây viêm phổi, bắt nguồn từ thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc.
Phía Nhà Trắng cho biết phía Trung Quốc đã đồng ý cho Mỹ cử chuyên gia sang hỗ trợ nghiên cứu và đối phó dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra đang hoành hành tại nước này. Theo đó, Trung Quốc cho phép Mỹ thành lập một nhóm chuyên gia hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để nghiên cứu và đối phó với virus Corona.
Bà Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Chủng ngừa và Bệnh Hô hấp cho biết Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch Mỹ (CDC) sở hữu những chuyên gia "có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc đối phó với các dịch bệnh tương tự". Vì vậy việc đưa họ đến Trung Quốc để hỗ trợ sẽ có lợi cho nước này.
Dù số ca bệnh của Mỹ so với toàn cầu hiện nay là thấp (11 ca), song đối với Mỹ đây là mối nguy hiểm tiếp theo sau đại dịch cúm H1N1 năm 2009. Nên CDC đang có những biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân
Tuần trước, Nhà Trắng đã công bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời ban hành lệnh cấm tất cả các hành khách vào lãnh thổ Mỹ nếu có di chuyển đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó.
Ngày 3-2, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết đây là quyết định có cơ sở khoa học. Mục đích của biện pháp này là làm chậm sự gia tăng của virus Corona, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Chủng ngừa và Bệnh Hô hấp của Mỹ cho biết.
Vì vậy, bà Messonnier cho rằng CDC đang có những biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân dù số ca bệnh của Mỹ so với toàn cầu hiện nay là thấp (11 ca).
Triển vọng lạc quan
Mặc dù số ca nhiễm virus vẫn đang tăng, song một số chuyên gia y tế tỏ ra lạc quan khi số ca khỏi bệnh mỗi ngày tiếp tục tăng. Họ coi đó là bằng chứng cho thấy cách điều trị hiện thời có tác dụng và virus corona có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với SARS.
Theo thống kê của Worldometer, trên toàn thế giới đã có 637 ca khỏi bệnh. SARS có tỷ lệ tử vong 9,6%, trong khi tính đến nay, khoảng 2% số người bị nhiễm virus corona đã tử vong.

Công tác phòng, chống dịch của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn bởi dịch viêm phối cấp (thông tin chi tiết).
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương rà soát lao động, chuyên gia tại các cơ sở công nghiệp - năng lượng - thương mại trên địa bàn (chi tiết thông tin).

Nguồn: VITIC tổng hợp