Cơ cấu thị phần kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ, EU và các thị trường khác trong 2 tháng đầu năm. Biểu đồ: T.Bình.
Mỹ tăng, EU giảm
Thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm thì thị trường EU có chiều hướng nược lại.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 10,26 tỷ USD, tăng tới 25,7%, trong khi kim ngạch tại thị trường EU chỉ đạt 5,89 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2019.
2 tháng đầu năm, Mỹ và EU chiếm 41,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trong đó Mỹ chiếm 26,3%).
Dệt may; giày dép; điện tử; đồ gỗ… là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ và EU.
Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,56 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó Hoa Kỳ đạt 1,86 tỷ USD, tăng 33,4% là thị trường lớn nhất.
EU đứng vị trí thứ 2 với trị giá 1,57 tỷ USD nhưng giảm 14,5%.
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 5,4 tỷ USD, tăng 27,4% và thị trường Hoa Kỳ đạt 1,2 tỷ USD dù chỉ đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) nhưng tốc độ tăng trưởng lại lớn nhất lên đến 135%. Trong khi thị trường EU là 718 triệu USD, giảm 7,8%.
Mỹ tiếp tục thể hiện sự áp đảo với liên quan đến nhóm hàng dệt may. Xuất khẩu hàng dệt may trong 2 tháng đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng thị trường Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 2,25 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 47,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Thị trường EU tiêu thụ 570 triệu USD, tăng nhẹ 0,3%, đứng vị trí thứ hai.
Giày dép các loại đạt 2,76 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2019; Mỹ và EU tiếp tục là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam với trị giá và tốc độ tăng lần lượt là 985 triệu USD (tăng 7,4%) và 713 triệu USD (tăng 2,6%). Tính chung, trị giá nhóm hàng giày dép xuất khẩu sang 2 thị trường chính đạt gần 1,7 tỷ USD, chiếm 61,6% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này.
Ngoài ra, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản… đều có sự góp mặt của thị trường Mỹ, EU.
Nhập khẩu vẫn chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc
Trong khi Mỹ, EU chiếm ưu thế về xuất khẩu của Việt Nam, thì nước ta nhập khẩu nhiều nhất vẫn từ các thị trường châu Á, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong những nhóm hàng nhập khẩu chủ lực được Tổng cục Hải quan vừa công bố, Mỹ chỉ góp mặt ở nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhưng cũng nằm ở vị trí thứ 5; hay nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da giày với vị trí thứ 4.
Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 8,69 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu lớn nhất là: Hàn Quốc với trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,4%; Trung Quốc với 1,61 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6%; Đài Loan với trị giá đạt 936 triệu USD, tăng 25,7%; Nhật Bản với trị giá 851 triệu USD, tăng 39,2%; đứng thứ 5 là Hoa Kỳ với 726 triệu USD, tăng 32,5%...
Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) đạt 2,98 tỷ USD, giảm 11,4%.Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc với trị giá 1,24 tỷ USD, giảm 16,7%; Hàn Quốc với 389 triệu USD, giảm 11,9%; Đài Loan đạt trị giá 334 triệu USD, giảm nhẹ 0,4%; Mỹ với 287 triệu USD, giảm 3,9%...
Các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực còn lại trong 2 tháng đầu năm ghi nhận ưu thế từ các thị trường châu Á.
Điển hình: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 5,22 tỷ USD, giảm 5,6%. Trong đó Trung Quốc đạt 1,98 tỷ USD, giảm 2,5%; Hàn Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 3,7%; Nhật Bản đạt 668 triệu USD, giảm 6,8%...
Điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,08 tỷ USD, tăng 13,9. Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 1,91 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này.