Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2017 tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 3 năm gần đây (2015 tăng 0,74%; 2016 tăng 1,25%). Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều cho rằng, diễn biến lạm phát trong các tháng tới sẽ không gặp quá nhiều rủi ro.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tính chung CPI bình quân quý I/2017 tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2016 và cao hơn với mức trung bình cùng kỳ 3 năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do: Các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục; trùng với Tết Nguyên đán; giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh...
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, chỉ số lạm phát toàn phần tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhóm giao thông và các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Nếu loại trừ các nhóm hàng này ra thì chỉ số lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 có mức tăng không quá lớn (chỉ là 1,66%).
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì cho hay, dù nhóm giao thông tăng mạnh hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, giá dầu đã có xu hướng giảm trở lại trong nửa cuối tháng 3 và đi ngang. Như vậy, ảnh hưởng tăng giá của nhóm xăng dầu lên chỉ số giá tiêu dùng trong các tháng tiếp theo kỳ vọng không có sự đột biến. Ngoài ra, lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, điều này cho thấy diễn biến tăng trở lại của lạm phát chưa đáng quan ngại.
BVSC cũng khẳng định, “mặc dù có mức tăng khá nhanh ngay từ thời điểm đầu năm nhưng chúng tôi cho rằng diễn biến lạm phát trong các tháng tới sẽ không gặp quá nhiều rủi ro”.
Theo ước tính của BVSC, lộ trình tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục (bao gồm học phí các cấp học từ mầm non đến đại học) theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP sẽ khiến chỉ số CPI chung mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 0,3% từ nay đến năm 2021. Đây là mức tăng nhỏ, khó gây đột biến đến chỉ số lạm phát chung.
Cùng với đó, giá dầu thế giới sau giai đoạn hồi phục khá mạnh kể từ cuối năm 2016 đang cho dấu hiệu điều chỉnh và có thể sẽ ổn định quanh mức 50 USD/thùng trong thời gian tới. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC dường như không còn nhiều hỗ trợ cho giá mặt hàng này trong ngắn hạn. Chưa kể thỏa thuận này sẽ kết thúc vào tháng 6/2017. Trong trường hợp các nước không tìm được tiếng nói chung trong việc gia hạn thỏa thuận, nhiều khả năng giá dầu sẽ còn điều chỉnh về những mức giá thấp hơn. Với những diễn biến này, áp lực tăng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm bớt, qua đó, giá nhóm hàng giao thông sẽ tránh được mức tăng đột biến.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết trong năm 2017 có thể sẽ bớt cực đoan hơn năm 2016, giúp nguồn cung lương thực thực phẩm được đảm bảo. Trên thực tế, khu vực nông nghiệp đã lấy lại mức tăng trưởng dương trong quý I năm nay (1,38%). Điều này sẽ giúp ổn định mặt bằng giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Do vậy, BVSC duy trì dự báo lạm phát bình quân cho cả năm 2017 sẽ vẫn dao động ở mức từ 3-4%.
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn