Giá vàng trong tuần giá giảm liên tục
Giá vàng đã có một tuần giảm giá liên tục, tuy mức giảm không nhiều, dao động ở khoảng 36,35 – 36,53 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,57 – 36,75 triệu đồng/lượng (bán ra). Theo đánh giá của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, xu hướng mua chủ yếu từ các cá nhân nhỏ lẻ, trong khi nhiều nhà đầu tư vẫn chần chừ, chưa mạnh dạn tham gia thị trường. Kết thúc tuần giao dịch vào sáng 31/3, giá vàng neo ở mức 36,40-36,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) và chênh lệch cao hơn giá thế giới khoảng 2,48 triệu đồng mỗi lượng.
Tỷ giá trung tâm giá tăng liên tiếp trong tuần
Trái ngược hoàn toàn với giá vàng, tuần qua tỷ giá trung tâm của NHNN đã có một tuần tăng giá liên tiếp. Các mốc tỷ giá cao ngày nối ngày được thiết lập, dao động ở khoảng 22.253 – 22.276 đồng/USD. Tuy nhiên, trái với diễn biến tăng liên tục của tỷ giá trung tâm, giá USD ngân hàng có xu hướng giảm trong nhiều phiên gần đây. Mở phiên sáng 31/3, USD được ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua - bán ở 22.715 - 22.785 đồng, giảm 5 đồng so với giá chốt hôm trước. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây. Khảo sát tại các ngân hàng khác cho thấy, giá bán USD đang được niêm yết ở mức thấp, phổ biến ở 22.780 - 22.800 đồng trong sáng 31/3. Mức giá này ngang ngửa với giá USD trên thị trường tự do.
GDP quý I/2017 tăng 5,1%
Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm % vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểmm phần tră; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm %.
Tăng trưởng GDP quý I năm nay tuy cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012 - 2014, nhưng lại thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2017 tăng 0,21%
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2017 tăng 0,21% so với tháng trước, trong đó có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 7,51% (dịch vụ y tế tăng 9,86%) do trong tháng có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,38%).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 3 đạt 33,4 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 3 của nền kinh tế đạt 33,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 17,4 tỷ USD, thương mại thâm hụt khoảng 1,1 tỷ USD. Mức nhập siêu tháng 2 và tháng 3 cao hơn rất nhiều so với tháng 1/2017, khi hai tháng liên tiếp, mỗi tháng Việt Nam nhập siêu cả tỷ USD. Chính vì thế, hết 3 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt hơn 89 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 43,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 45,6 tỷ USD. Nền kinh tế chính thức quay trở lại trạng thái nhập siêu gần 2 tỷ USD trong Quý I/2017. Điều này hoàn toàn trái ngược so với quý I/2016 khi cả nước xuất siêu hơn 800 triệu USD.
3 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng so với cùng kỳ
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2017 ước đạt 1 triệu lượt, giảm 16,1% so với tháng trước nhưng tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung ba tháng đầu năm nay, ước tính có hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (trên các mặt lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong một chỉ đạo khác gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016 – 2020 theo hướng bình quân tối thiểu là 6 tháng/lần. Như vậy, kể từ lần tăng gần nhất vào tháng 3/2015 với mức tăng 7,5%, giá điện có thể sắp trải qua đợt điều chỉnh mới.
Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo quy định tại Quyết định 49/2011/QĐ-TTg
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến trả lời đề nghị của Bộ GTVT về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo quy định tại Quyết định 49/2011/QĐ-TTg. Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu điêzen cho phép được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017. Ô tô đã được Bộ Giao thông vận tải chứng nhận thỏa mãn qui định về khí thải thì được thực hiện các thủ tục có liên quan. Các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô phải có kế hoạch nhập khẩu, sản xuất ô tô nêu trên, bảo đảm việc hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017.
Thông tin liên quan đến sản phẩm thép mạ
- Ngày 30/3, Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Công) và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bị áp thuế nhập khẩu bổ sung từ 3,17% đến 38,34%. Một số nhà sản xuất/xuất khẩu của Hàn Quốc bị áp thuế nhập khẩu bổ sung 19%.
- Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết đã nhận được thông tin từ Bộ Thương mại Thái Lan về việc Ủy ban chống bán phá giá và chống trợ cấp Thái Lan đã ban hành quyết định cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm tôn mạ màu nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Thái Lan đã quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu từ Việt Nam trong thời gian 5 năm với mức thuế từ 4,3% – 60,26%. Biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực kể từ ngày đăng Công báo Chính phủ. Đối với mặt hàng tôn lạnh các mã HS 7210.61, 7212.50, 7225.99 và 7226.99. nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế từ 6,2% – 40,49%, được áp dụng đối với tôn mạ hợp kim nhôm-kẽm từ 5 nhà sản xuất lớn và các nhà sản xuất khác của Việt Nam.
Rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra – ba sa nhập khẩu từ Việt Nam
Bộ Công thương cho biết, DOC đã công bố kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 12 (POR12) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2014 đến 31/7/2015 đối với sản phẩm cá tra - basa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo kết luận này, 3 doanh nghiệp bị đơn bị áp mức thuế toàn quốc cao nhất là 2,39 USD/kg do quyết định không tham gia đợt rà soát. Và 4 doanh nghiệp bị đơn tự nguyện sẽ nhận thuế suất riêng rẽ 0,69 USD/kg, bằng với lần rà soát trước đó. Ngoài ra, 2 công ty không nộp hồ sơ xin nhận thuế suất riêng rẽ cũng bị áp mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/Kg.

Nguồn: VITIC tổng hợp