Dự báo, năm 2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, kết quả XK có thể còn ấn tượng hơn cả năm 2020.
Kỷ lục nối tiếp kỷ lục
Sau 4 năm liên tiếp xuất siêu, 2020 là năm đầu tiên XNK của Việt Nam đối mặt với nhiều "sóng gió" lớn, thậm chí có những "khúc cua" khó lường trước khi "cán đích" thắng lợi một năm nữa.
Trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam có 31 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch XK (trong đó có 6 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).
Trong 11 tháng năm 2020, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 44,5%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,1%...
Điểm lại dễ thấy, suốt nửa đầu năm, Covid-19 là nỗi ám ảnh của hoạt động XNK hàng hóa. Tuy vậy, chỉ duy nhất tháng 1/2020 và tổng 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu với mức nhập siêu lần lượt 100 triệu USD và 176 triệu USD. Kể từ 3 tháng cho đến 11 tháng năm 2020, Việt Nam liên tiếp xuất siêu. Đáng chú ý, các con số xuất siêu trong các kỳ cộng gộp vô cùng ấn tượng khi kỳ sau cao hơn kỳ trước (trừ kỳ tổng hợp 5 tháng năm 2020), từng bước đạt đến các kỷ lục nối tiếp, kỷ lục sau lại lấn lướt kỷ lục ngay trước đó.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương, tới hết quý 1/2020, Việt Nam xuất siêu 2,82 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Tiếp đó 4 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng và 9 tháng, các con số xuất siêu lần lượt là 3,04 tỷ USD; 1,88 tỷ USD; 4,03 tỷ USD; 6,5 tỷ USD; 11,9 tỷ USD và 16,58 tỷ USD. Và con số xuất siêu trong các tháng cuối cùng của năm còn ấn tượng hơn với các mức cao kỷ lục, lần lượt là 18,72 tỷ USD trong 10 tháng năm 2020 (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,3 tỷ USD) và 20,16 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020 (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD).
Nhìn nhận về kết quả XNK đạt được trong năm nay, đặc biệt là con số xuất siêu, khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) không chỉ 1 lần thốt lên rằng, trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam xuất siêu "khủng" như trên là kết quả rất tích cực. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Xuất siêu một phần do XK tăng khá, phần còn lại do NK tăng thấp, cộng lại dẫn tới xuất siêu lớn. XK hàng hóa 11 tháng năm 2020 của Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng hơn 5% và cả năm dự kiến cũng có thể sẽ tăng hơn 5%.
Tính từ khi đổi mới, Việt Nam vốn là nền kinh tế nhập siêu kinh niên, năm nhập siêu cao nhất là 2008 với mức nhập siêu tới 18 tỷ USD, cho đến năm 2012 Việt Nam mới bắt đầu xuất siêu. Kể từ đó đến nay, nước ta xuất siêu liên tục (trừ năm 2015 nhập siêu 4 tỷ USD). Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ đạt được mức xuất siêu lớn như năm nay. "Nhiều người bất ngờ với kết quả này bởi các nước xung quanh Việt Nam XK đều giảm, thậm chí nhiều nước tăng trưởng XK âm", TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Một số chuyên gia kinh tế phân tích, điểm tích cực từ xuất siêu còn là giúp tăng dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay cũng tăng mức kỷ lục, đạt 100 tỷ USD. Xuất siêu là chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng đánh giá “sức khỏe” nền kinh tế. Nền kinh tế khỏe mạnh mới có thể xuất siêu được. Với mức dự trữ ngoại hối cao, xuất siêu cao, Việt Nam giữ được tỷ giá ổn định.
2021 nhiều kỳ vọng
Khép lại một năm 2020 nhiều dư âm về XNK, khi trao đổi với không ít chuyên gia, DN về triển vọng năm 2021, câu trả lời mà phóng viên Tạp chí Hải quan nhận được có điểm tương đồng là đều nhấn mạnh triển vọng XK của Việt Nam phụ thuộc vào triển vọng của kinh tế thế giới có khống chế được dịch Covid-19 hay không.
Theo TS. Lê Quốc Phương: "Những ngày gần đây triển vọng khống chế dịch có tia sáng khi vắc xin được tung ra tiêm hàng loạt ở một số nước. Dự báo, XK hàng hóa năm 2021 trong điều kiện thế giới khống chế được dịch sẽ tốt hơn năm 2020, tăng trưởng XK cao hơn. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực kết hợp với các FTA thế hệ mới sẽ có tác dụng tốt với XK và sẽ còn tác dụng nữa nếu như tận dụng tốt cơ hội".
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, thế giới hiện nay là môi trường có bối cảnh mới với nhiều yếu tố khó lường, khó đoán định. Trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại và cả những dịch bệnh thiên tai…, có thể nói 2021 và những năm tiếp theo còn nhiều khó khăn, phức tạp cho hoạt động thương mại quốc tế của các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên cũng phải khẳng định năm 2021 và những năm tới sẽ là những năm về cơ bản có được điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và sẽ ký kết; những chú trọng chính sách của Chính phủ, Đảng, Nhà nước và quyết sách của Chính phủ trong hàng loạt khía cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cách chính sách về an sinh xã hội, cải cách và mở cửa cũng như nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật,…
“Tôi tin năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phát triển, thậm chí là tăng tốc của Việt Nam trong đó có cả khía cạnh hội nhập quốc tế và XNK. Chúng tôi đã xây dựng những mục tiêu với những kịch bản cụ thể và thông qua cho năm 2021, về cơ bản vẫn duy trì xu thế chung trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như thương mại quốc tế”-Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu tổng quát đề ra là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn... Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để vừa thúc đẩy XK, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước; trong đó chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại; mở rộng, đa dạng hóa thị trường XNK, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; tận dụng tốt hơn, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA)…
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: tiếp tục đối mặt khó khăn trong 2021

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Dự báo, năm 2021, XK hàng dệt may vẫn tiếp tục gặp khó khăn bởi giai đoạn sau đại dịch, thu nhập của người dân còn rất khó khăn. Dự kiến, với khả năng kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên thế giới, Việt Nam có thể XK khoảng 37-38 tỷ USD trong năm 2021, tăng trưởng nhẹ so với 2020.
Nhìn ở tầm dài hơi hơn, dệt may Việt Nam sẽ ở trong tâm thế vượt khó năm 2021, năm 2022, thậm chí năm 2023; đế cuối quý 3/2023 nếu Covid-19 được kiểm soát thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các FTA, nhất là EVFTA, RCEP, CPTPP đang có kết cấu thị trường tương đối tốt.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam: tăng trưởng 15 - 20% nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam
Năm 2020, XK mặt hàng da giày có thể giảm 10% so với năm 2019, đạt khoảng 20 tỷ USD, tương đương năm 2018. Dù vậy, đây là mức giảm nhẹ so với mức độ tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu. Da giày là một trong những ngành tận dụng tốt nhất Hiệp định EVFTA. XK ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Thời gian tới, ngành da giày vẫn xác định tập trung cho XK, tham gia mạnh vào chuỗi giá trị. Từ đại dịch Covid-19 cho thấy đứt gãy chuỗi cung gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sản xuất, buộc toàn ngành phải nhìn nhận lại chiến lược. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào NK nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề chuỗi cung DN sẽ rất bị động. Thời gian sắp tới là cơ hội rất tốt để toàn ngành và Chính phủ thiết lập lại chính sách mạnh hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam phải chớp lấy cơ hội này để phát triển sản xuất nguyên phụ liệu ở Việt Nam.

Nguồn: haiquanonline.com.vn