Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều đó tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019.
Phó thủ tướng chỉ đạo, chúng ta cần tập trung xây dựng và phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics có năng lực cạnh tranh cao, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển bền vững thị trường logistics ở cả trong nước và khu vực.
Về phía các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam, trong thời gian tới cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải.
Nhận diện những hạn chế
TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra những vấn đề đặt ra về logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại Việt Nam.
Đó là chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%). Kết nối hạ tầng logistics tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế. Chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu.
Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều nơi như đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển. Kênh phân phối nông sản qua hệ thống chợ đầu mối và chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ thương mại biên giới hạn chế, chưa tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản Việt Nam. Các trung tâm logistics phân bố manh mún và đầu tư tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối. Quy mô của các trung tâm logistics nhìn chung còn nhỏ, phần lớn dưới 10ha, trung tâm quy mô cấp vùng chưa phát triển...
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cũng chỉ ra, Việt Nam là nước sản xuất nông sản hàng đầu, khối lượng nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều lớn, tuy nhiên giá trị chưa tương xứng.
Một trong những nguyên nhân lớn là do khâu dịch vụ logistics còn bất cập như hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến sơ chế nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ, chuỗi lạnh còn chưa phổ biến, nhiều doanh nghiệp logistics chưa quan tâm đến lĩnh vực nông sản.
Bên cạnh đó, do đặc điểm của nông sản nên dịch vụ logistics cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, đầu tư hạ tầng kho, bãi tốn kém hơn nhiều loại hàng hoá khác. Đặc biệt là phần lớn đội ngũ nhân lực logistics thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về đặc tính nông sản nên nhiều doanh nghiệp coi chuỗi lạnh là chi phí, không phải là giá trị gia tăng.
Chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn, phân mảnh làm nông sản Việt bị giảm giá trị và không thể vươn xa.
"Như ở Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia, động lực chính của nông nghiệp nhưng các chỉ số kinh doanh lại kém hiệu quả, đặc biệt là khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển.
Trong vùng chưa có chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh, hệ thống cảng phân tán, quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, không có cảng biển, thiếu cảng container... làm tăng chi phí từ 7 đến 10 USD/tấn hàng nông sản", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Khuyến nghị đầu tư hạ tầng logistics
TS. Nguyễn Quốc Toản, việc đầu tiên là phải nâng cấp các tuyến vận tải, thiết lập các Trung tâm logistics nông sản đặt ở cả 3 khu vực. Xu hướng mới nhất hiện tại trong lĩnh vực logistics, thích ứng với nền kinh tế chia sẻ, nhấn mạnh các nguồn vốn xã hội, sự trải nghiệm và sáng tạo.
Các hệ thống vận tải, tồn trữ, phân phối có thể thay đổi trên cơ sở kết hợp xu thế tiêu dùng mới và năng lực của các hệ thống kỹ thuật số, tự động hóa, thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo.
Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị là phải gắn chính sách và đầu tư vào hạ tầng giao thông với thương mại và chuỗi giá trị. Tăng cường cơ chế điều phối các chính sách tích hợp giữa thương mại, giao thông và phát triển chuỗi giá trị.
Đảm bảo dữ liệu chi tiết cho phân tích kết nối chuỗi giá trị và ra quyết định. Khuyến khích sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên tỉnh trong chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Cải tiến mô hình khu công nghiệp và khu kinh tế để hỗ trợ tốt hơn sự phát triển chuỗi giá trị....
Ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, cần tăng vốn đầu tư cho hạ tầng logistics nông sản như đầu tư vào chuỗi lạnh gồm kho lạnh, xe lạnh và container lạnh.
Bên cạnh đó phải cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ cũng như tận dụng tốt đường sắt, phát triển đường hàng không, xây dựng trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Đặc biệt phải thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng trung tâm logistics nông sản, ứng dụng công nghệ, sàn giao dịch logistics nông sản….
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 đã diễn ra cuộc tọa đàm quy tụ những người đứng đầu ngành Công thương, Nông nghiệp, Giao thông... Đây là những ngành có tác động trực tiếp đến dịch vụ logistics.
Tại toạ đàm, các Bộ trưởng đã đối diện với nhiều câu hỏi liên quan đến việc nâng cao giá trị nông sản Việt thông quan dịch vụ logistics.