Sau cuộc khủng hoảng Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, khiến giới bình luận phân tích lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế mạnh mẽ nhất, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng. Không có đủ điện để các nhà máy bắt đầu khôi phục sản xuất, nước này thậm chí phải tiết kiệm cả điện sưởi ấm.
Trong thời gian qua, tại hơn 10 tỉnh Trung Quốc, bao gồm các trung tâm công nghiệp, đã xảy ra tình trạng gián đoạn điện. Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, bao gồm cả các xí nghiệp cung cấp phụ kiện cho Tesla, Samsung và Apple.
Hệ thống sưởi bị cắt, đèn giao thông không hoạt động trên các đường phố. Cư dân được yêu cầu không sử dụng bình nước nóng và lò vi sóng trong giờ cao điểm.
Vấn đề điện tại Trung Quốc nảy sinh từ mùa Hè. Trong tháng 7/2021, do đợt nắng nóng bất thường, lượng tiêu thụ năng lượng đã lập kỷ lục. Giờ đây, khi mùa lạnh đến gần, chính phủ nước này đã lệnh cho các nhà cung cấp chuẩn bị than và khí đốt trước nhu cầu tiêu thụ tăng vọt.
Tuy nhiên, việc cung cấp nhiên liệu cũng có nhiều phức tạp. Trong khi nhiên liệu xanh khá tốn kém thì nhiên liệu rắn lại không dễ khai thác. Trong bối cảnh đó, kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào than đá để sản xuất điện.
Trước những căng thẳng trong quan hệ song phương với Australia, Trung Quốc đang tìm kiếm đối tác mới trên toàn thế giới. Điển hình, tỉnh phía Đông Nam Chiết Giang của Trung Quốc tiếp tục nối lại giao hàng bằng đường sắt từ Kazakhstan, song chi phí vận chuyển cao hơn nhiều lần so với vận chuyển bằng đường biển.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại các phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố nước này đã không còn xây dựng các nhà máy điện than.
Ivan Belkin, Tổng Giám đốc Công ty Lebel Home Inc LLC, nhận xét: “Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thiếu điện trong bối cảnh chính sách xanh mới của chính phủ, giá đối với nguyên liệu và điện tăng và không ổn định khiến tình hình nghiêm trọng hơn. Nhiều nhãn hiệu đình chỉ sản xuất, tiết kiệm ngay cả trên máy điều hòa không khí trong các cửa hàng và văn phòng”.
Gần đây nhất, các nhà phân tích đã thảo luận về cuộc khủng hoảng của Evergrande với những lo ngại liên quan đến các khoản nợ khổng lồ. Bây giờ, họ lại tiếp tục ước tính về những rủi ro do các vấn đề năng lượng.

Khu chung cư cao tầng do tập đoàn bất động sản Evergrande xây dựng ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo ngân hàng Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ảnh hưởng đến gần một nửa ngành công nghiệp Trung Quốc. Do đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2021 được dự báo sẽ giảm từ 8,2% xuống 7,2%.
Công ty tư vấn mô hình và phân tích rủi ro Russell Group của Anh đã ước tính việc hạn chế tiêu thụ điện năng ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới dòng lưu thông hàng hóa toàn cầu với số tiền lên đến 120 tỷ USD. Trong đó, chịu ảnh hưởng mạnh nhất là ngành công nghiệp sản xuất chip cho đến nay vẫn đang thiếu hụt nguồn cung trên quy mô toàn cầu.
Phân khúc điện tử tiêu dùng và công nghiệp nhẹ cũng gánh chịu thiệt hại khi các công ty đang khẩn trương dự trữ hàng hóa trước đợt bán hàng đầu năm mới.
Nhà kinh tế trưởng của Trung tâm phân tích thông tin “Teletrede” Mark Goyakhman nhận định: “Gián đoạn nguồn cung điện, cuộc khủng hoảng nợ trong ngành xây dựng, sự bùng nổ của đại dịch COVID-19, tất cả điều này dẫn đến sự suy giảm trong sản xuất, đóng cửa doanh nghiệp”.
Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những khách hàng tiêu thụ nguyên liệu và xuất khẩu lớn nhất của một loạt hàng hóa, bao gồm thực phẩm. Chuyên gia Mark Goyakhman tiếp tục: “Giá năng lượng tăng ở Trung Quốc đang kích thích xu hướng tăng giá quá mức. Điều này không chỉ làm gia tăng lạm phát toàn cầu, mà còn làm giảm khả năng sinh lời và kiềm hãm nền kinh tế ở các quốc gia khác - đặc biệt là ở châu Âu”. Bên cạnh đó là những rủi ro đáng kể cho ngành ngân hàng, chứng khoán và thị trường vốn.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Khó khăn ở Trung Quốc có thể là tín hiệu tốt đối với các đối tác nước ngoài, thị trường và những cơ hội khác. Tổng Giám đốc Ivan Belkin lập luận: “Điều đáng chú ý là việc sản xuất riêng. Ở đâu có nhu cầu, ở đó sẽ có nguồn cung ứng. Điều quan trọng là cung cấp và phát triển”.
Theo các nhà phân tích, tại Trung Quốc vẫn có nhiều công cụ được chứng minh hiệu quả, chẳng hạn việc khuyến khích ngành thực tế, hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng và gia tăng nhu cầu bất động sản do thế chấp./.

Nguồn: TTXVN