Cũng theo hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới này, tính thanh khoản và vốn hóa của những ngân hàng trên, mặc dù nhìn chung đang được giữ ở mức ổn định, song có xu hướng suy yếu so với các ngân hàng nhỏ hơn do những ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh hơn.
Moody’s cho hay trong năm 2016, 11 ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng trung bình ở mức 12%, so với con số chỉ 10% của năm 2015. Trong đó, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần vẫn duy trì ở mức cao hơn so với ngân hàng quốc doanh có quy mô lớn.
Vẫn theo Moody’s, khả năng sinh lời của các ngân hàng đã gặp nhiều bất lợi trong suốt năm 2016, vì những yếu tố như tỷ lệ thu nhập lãi cận biên - chỉ số được sử dụng để xác định chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu - liên tục giảm. Điều này đã được cảnh báo từ trước đó, khi chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, chỉ số lợi nhuận cho biết lợi nhuận ròng công ty đạt được từ một đồng đầu tư vào tổng tài sản, tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng trong kỳ chia cho bình quân tổng tài sản trong kỳ, của 11 ngân hàng tiếp tục giảm xuống chỉ còn 1,05% trong năm 2016 so với mức 1,15% của năm trước đó.
Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, là mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm qua. Trước đó, Moody’s đã đưa ra nhận định tiêu cực đối với các rủi ro về tài sản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng nước này, giữa bối cảnh các chỉ số đòn bảy tài chính tiếp tục tăng cao trong khi hoạt động cho vay thế chấp cũng diễn ra mạnh mẽ khi thị trường nhà đất nóng lên nhanh chóng.

Nguồn: Vietnamplus.vn