OPEC đối mặt với thời điểm khó khăn lịch sử
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang phải đối mặt với một thời điểm vô cùng khó khăn trong lịch sử 60 năm, với nhu cầu và giá dầu thô ngày càng sa sút do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, những bất đồng giữa các nước thành viên cũng như mối đe dọa từ các nhiên liệu sạch hơn.
OPEC được thành lập vào ngày 14/9/1960 bởi các nước Iraq, Iran, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela, với nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát sản lượng dầu thô. Tổ chức này hiện có 13 thành viên với các nước đến từ cả châu Phi và Mỹ Latinh.
Theo nhà phân tích Edoardo Campanella của UniCredit, lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập OPEC diễn ra vào một thời điểm khó khăn trong lịch sử. Khả năng dẫn dắt thị trường dầu mỏ theo hướng có lợi cho OPEC chưa bao giờ bị đặt nghi vấn nhiều như lúc này.
Tổ chức có trụ sở tại Vienna (Áo) này thường xuyên triệu tập các cuộc họp định kỳ để đánh giá tình trạng cung và cầu trên thị trường, và các tuyên bố của OPEC vẫn có thể gây ra những biến động lớn đối với giá dầu.
Tuy nhiên, quyền lực của OPEC đã thu hẹp trong những năm gần đây, khiến các nước này phải hợp tác với 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC, trong đó có Nga. Liên minh OPEC+ này được hình thành nhằm mục tiêu hạn chế tổng sản lượng khai thác chung.
Về cơ bản, OPEC+ muốn hình thành một cơ chế chống lại Mỹ, quốc gia sản xuất dầu đá phiến có sản lượng tăng vọt, và giải quyết tình trạng dư cung dai dẳng trên thị trường thế giới. Hiện nay, OPEC chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu toàn cầu, còn OPEC+ chiếm gần 50%, do đó ảnh hưởng của liên minh này lớn hơn.
Carlo Alberto de Casa, nhà giao dịch tại Activtrades, cho rằng OPEC vẫn có vị trí nhất định đối với thị trường dầu mỏ, mặc dù ảnh hưởng của tổ chức này có phần giảm sút so với trước đây do hoạt động sản xuất của các nước ngoài OPEC và kỹ thuật khai thác mới.
Hồi tháng Ba vừa qua, OPEC+ đã không đạt được sự đồng thuận về chiến lược chung, với việc Nga từ chối yêu cầu cắt giảm sản lượng từ Saudi Arabia. Sau đó, nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Saudi Arabia đã quyết định giảm giá bán và tăng sản lượng để bảo toàn thị phần.
Cuộc chiến giá dầu giữa hai cường quốc dầu mỏ này, cùng với diễn biến của đại dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ, đã khiến giá dầu lao dốc. Giá hợp đồng dầu kỳ hạn WTI tại New York đã có thời điểm rơi xuống mức âm vào tháng Tư.
Trước sự sụp đổ của thị trường, OPEC+ hồi tháng Năm đã quyết định cắt giảm tới 1/5 sản lượng, qua đó giúp giá dầu thô phục hồi mạnh lên mức khoảng 40 USD/thùng hiện nay. Thêm vào đó, do nguồn cung dư thừa, Mỹ - hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới - cũng đã hạn chế tốc độ khai thác dầu đá phiến.
Nhà phân tích Paola Rodriguez-Masiu của Rystad Energy nhận định, mặc dù OPEC đã mất thị phần trong những năm gần đây, tổ chức này vẫn có vai trò quan trọng vì sở hữu lượng dầu thô lớn nhất có thể khai thác hiện nay. Chuyên gia này cho rằng OPEC sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong tương lai./.