Trong thông báo trên trang mạng Twitter, SFO cho biết: "Bắt đầu từ hôm nay, SFO sẽ cấm bán các chai nước uống bằng nhựa dùng một lần".
Quy định mới được áp dụng đối với các loại nước uống đựng trong chai, lọ, hộp hoặc túi nhựa dùng một lần và có dung tích ít hơn 1 lít. Như vậy, từ nay, các hành khách sẽ không thể mua các chai nước nhựa dung tích dưới 1 lít tại mọi nhà hàng, quầy cafe và cây bán đồ ăn uống tại sân bay quốc tế San Francisco.
Theo SFO, gần 4 triệu chai nước uống bằng nhựa đã được bán tại sân bay này trong năm 2018 và nhiều trong số rác thải nhựa này đã không được tái chế, trong khi trung bình khoảng 9.000 chai nước nhựa bán ra mỗi ngày.
Sân bay trên cũng lưu ý thực tế rằng có chưa đến 25% số chai nhựa trên thế giới được tái chế, và mỗi chai nhựa cần khoảng 450 năm đến tối đa 1.000 năm để phân hủy.
Ngoài việc cấm bán chai nhựa dùng một lần, ban quản lý SFO cũng đặt 100 cây nước để khách hàng có thể lấy thêm nước vào chai kim loại hoặc cốc thủy tinh khi cần.
Đây là một phần trong kế hoạch 5 năm của sân bay nhằm giảm rác thải, khí thải carbon và năng lượng sử dụng xuống mức 0. SFO đặt mục tiêu tới năm 2021 trở thành sân bay không rác thải đầu tiên ở Mỹ.
Sân bay quốc tế San Francisco cũng tiên phong trong các hoạt động "sống xanh" như lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, hướng dẫn các chủ kinh doanh trong sân bay sử dụng những dụng cụ chứa thực phẩm có thể phân hủy được bao gồm ống hút và khay đựng.
Các sân bay ở Dubai và Ấn Độ cũng từng công bố những kế hoạch cấm chai nhựa tương tự nhưng chưa triển khai đầy đủ.
Từ năm 2014, thành phố San Francisco đã cấm bán các loại chai nước nhựa tại các địa điểm thuộc sở hữu công nhưng vẫn cho phép một số địa điểm được trì hoãn hoặc miễn áp dụng quy định này. Hiện ngành sản xuất nhựa toàn cầu đang phát triển nhanh chóng và tới nay đã đạt sản lượng 400 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, các loại nhựa sử dụng một lần chiếm 70% số rác thải nhựa đang ngày ngày đầu độc môi sinh trên các đại dương. Mỗi năm, hàng triệu con chim và hơn 100.000 động vật biển có vú chịu tổn thương hoặc chết vì bị mắc kẹt trong rác thải nhựa hay ăn phải những loại rác thải này. Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết sẽ cấm nhựa dùng một lần.
Nguồn: Bnews, TTXVN