Chiều 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về vấn đề xuất khẩu gạo với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL, vựa lúa của cả nước, các tập đoàn, tổng công ty lương thực lớn, một số bộ, ngành.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho biết, năm 2020, chúng ta có kế hoạch xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Do tình hình dịch COVID-19 và thiên tai, hạn hán, nhiều nước đã dừng xuất khẩu gạo để đề phòng tình trạng khan hiếm lương thực có thể xảy ra.
Vì thế, chúng ta đã có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát để xem xét tình hình sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu, xem sản lượng, diện tích, năng suất cụ thể để trước hết bảo đảm lương thực cho đất nước 100 triệu dân, đề phòng bất trắc xảy ra. Đây là việc làm cần thiết.
Thủ tướng cho biết, trong những ngày qua, đã cử các đoàn công tác của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi nắm tình hình các tỉnh và nghe các tỉnh phản ánh việc sản xuất lúa ở địa bàn mình.
Năm nay, điều đáng mừng là trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL, nhưng do quyết tâm của các địa phương, sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã chuyển thời vụ sớm, có cơ cấu cây trồng hợp lý, cho nên, năm nay, được mùa lúa.
Do đó, cuộc họp hôm nay thảo luận phương án xuất khẩu gạo bình thường để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, bảo đảm an ninh lương thực.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Riêng vùng ĐBSCL, vụ Đông Xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Bộ Công Thương cho biết, đến cuối tháng 4/2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên.
Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung – cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng kể từ ngày 1/5/2020, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định tại Điều 12 của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu, đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, nước ta đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19 ở Việt Nam, bảo đảm an toàn căn bản cho người dân, số ca nhiễm thấp, không có người tử vong. Cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giao thương mạnh mẽ kể cả đẩy mạnh du lịch nội địa với một số yêu cầu cụ thể. Việc tổ chức sản xuất, hoạt động bình thường của người dân là yêu cầu cấp bách để bảo đảm việc làm, thu nhập, tăng trưởng.
Về vấn đề xuất khẩu gạo, Thủ tướng nêu rõ, lương thực là một cân đối lớn của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, cần phải bảo đảm an ninh lương thực, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực.
Cùng với an ninh lương thực, bảo đảm xuất khẩu lương thực để bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta đạt nhiều thành tích nhưng có một số trục trặc trong điều hành, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần nâng cao trách nhiệm, chủ trì các cân đối lớn, phối hợp tốt với nhau để bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực tốt hơn, thuận lợi hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Sau khi nghe báo cáo của đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương trình bày, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo từ tháng 5/2020, theo đó, từ 1/5/2020 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không).
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo trong tháng 5, 6 và các tháng tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp. Bộ Tài chính thực hiện mua đủ dự trữ quốc gia về gạo.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ liên quan theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự trữ, xuất khẩu; nếu xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì báo cáo ngay Thủ tướng để có biện pháp xử lý phù hợp.
Trong quá trình điều hành, cần lắng nghe ý kiến đầy đủ của các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, các doanh nghiệp sản xuất lớn và người dân. Bộ Công Thương đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% quy định tại Nghị định 107.
Đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp thương nhân không thực hiện, cho phép Bộ Công Thương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương rà soát Nghị quyết 107 để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế, trong đó, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” của một số doanh nghiệp, “không có kho, không có cơ sở gì hay vừa qua, có tình trạng, qua khai tờ khai hải quan, có một số doanh nghiệp không làm xuất khẩu tranh thủ đăng ký hạn ngạch”.
Bộ Tài chính cần rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia để có giải pháp phù hợp. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo.
Bộ NNPTNT có trách nhiệm trong việc chỉ đạo xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Các thương nhân, nhà đầu tư cần hợp tác trong vấn đề này.
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chinh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Công Thương tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiêm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về vấn đề này.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề cập đến giá thịt lợn, đề nghị tái đàn mạnh mẽ hơn nữa; bảo đảm giống và thức ăn chăn nuôi; quản lý tốt đầu ra. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập khẩu đủ số lượng cần thiết để bảo đảm mặt bằng giá.