Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỉ đô la
Theo thesaigontimes.vn, nhờ kim ngạch xuất khẩu đạt 241,7 tỉ đô la Mỹ và kim ngạch nhập khẩu đạt 230, 7 tỉ đô trong 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỉ đô la trong năm 2019 này.
Tin từ Bộ Công Thương dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan cho biết, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt con số nêu trên, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao. Kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỉ đô la, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỉ đô la trong 11 tháng đầu năm. Tiến độ này cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỉ đô la khi kết thúc năm 2019.
Kết quả này đạt được trong điều kiện thương mại thế giới diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung làm mạnh thêm các yếu tố rủi ro trên toàn cầu. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
Xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng được tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã ký kết và có hiệu lực.Tổng kim ngạch sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như sang Canada, Mexico.
11 tháng, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Thông tin từ thitruonghanghoa.com, trong 11 tháng năm 2019, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 vừa qua ước đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 48,7 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, trong thời gian này, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11 ước tính đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... Như vậy, tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2019 xuất siêu 9,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,6 tỷ USD.
Nông nghiệp 2019 cán đích 41,3 tỉ đô la
Thông tin từ thesaigontimes.vn, Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỉ đô la, tăng khoảng 3,5% so với năm ngoái. Cụ thể, thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỉ đô, cao hơn 1,12 tỉ đô so với năm ngoái. Trong năm nay, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô, trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỉ đô (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, cà phê, hạt điều). Theo dự tính, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2% (trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng khá 3,98%).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp năm 2019 có nhiều khó khăn và chịu tác động lớn bởi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi trong nước và thế giới. Diễn biến thời tiết gây hạn hán, lũ lụt, cháy rừng ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu với những quy định mới khắt khe và yêu cầu cao hơn của thị trường Trung Quốc... Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn đối mặt với vấn đề năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Trong năm qua, Bộ cho biết đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc); xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ; xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019; hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông (Trung Quốc).
Về thủy sản xuất khẩu, Mỹ đã công nhận đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam; riêng Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ có tác động thế nào đến Việt Nam?
Thông tin từ thitruonghanghoa.com, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo nhanh về việc Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài gần hai năm. Đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% với khoảng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và 15% với 110 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại đã "lắng dịu" hơn kể từ tháng 9/2019 với nhiều nỗ lực của chính quyền cũng như đoàn đàm phán Mỹ và Trung Quốc. Điều này đã giúp 2 nước đạt được tiến bộ thực chất bước đầu trong thỏa thuận thương mại.
Ngày 12/12/2019, truyền thông quốc tế (như Bloomberg, CNBC, Reuters, Wall Street Journa) đưa tin Tổng thống Trump đã chấp thuận thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 mà 2 đoàn đàm phán Mỹ - Trung đạt được và dự kiến công bố chính thức vào ngày 16/12/2019. Ngày 13/12/2019, Tổng thống Trump cũng đã công bố trên Twitter của mình rằng: "Chúng tôi đã nhất trí thỏa thuận giai đoạn một rất lớn với Trung Quốc. Họ đồng ý với nhiều thay đổi về cấu trúc và mua số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, sản xuất cùng nhiều thứ khác", mặc dù trước đó 1 giờ đồng hồ, ông vẫn bác bỏ các thông tin của truyền thông. Đây là diễn biến tích cực đối với 2 nước trong các vòng đàm phán thương mại tiếp theo, giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa 2 nước, đồng thời góp phần giảm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế 2 nước nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, … vẫn cần theo dõi và chờ đợi đến khi Thỏa thuận được công bố chính thức.
Đối với Việt Nam: như nhận định trước đây của nhóm tác giả, trong ngắn hạn, thương mại của Việt Nam đã và đang chịu tác động tiêu cực (xuất khẩu tăng khoảng 9% năm 2019, thấp hơn mức tăng 14% năm 2018), đầu tư được hưởng lợi do có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc sang ASEAN, trong đó có Việt Nam (ước tính vốn đăng ký FDI từ hai lãnh thổ này năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2018). Tuy nhiên, kết quả tích cực từ sự dịch chuyển này còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thụ, khả năng sàng lọc FDI và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.
Với diễn biến như trên và như đã nêu tại báo cáo vĩ mô hết 11 tháng năm 2019, nhóm tác giả vẫn bảo lưu dự báo rằng GDP Việt Nam có thể tăng khoảng 7% với CPI bình quân được kiểm soát khoảng 3% năm 2019 và GDP tăng khoảng 6,8%, CPI bình quân tăng khoảng 3,3-3,6% năm 2020.
Nguồn: VITIC