Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 23.541 VND/USD (tăng 44 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện bán ra ở mức 23.925 VND/USD (không đổi).
Tỷ giá USD hôm nay tại tất cả các ngân hàng Thương mại đều tăng so với hôm qua, Ngân hàng VPBank tăng 30 đồng cả giá mua và giá bán lên mức 23.920 – 24.230 VND/USD. Ngân hàng SCB giữ nguyên cả giá mua và giá bán ở mức 23.110 - 23.260 VND/USD. Ngân hàng Á Châu tăng 100 đồng cả giá mua và giá bán lên mức 23.900 – 24.200 VND/USD.
Ngân hàng Đông Á tăng 30 đồng cả giá mua và giá bán lên mức 24.000 – 24.230 VND/USD. Vietcombank tăng 30 đồng cả hai chiều mua bán lên mức 23.920 – 24.230 VND/USD.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.110 – 24.008 VND/USD, còn bán ra trong khoảng 23.260 – 24.247 VND/USD. Trong đó, Ngân hàng Techcombank có giá mua USD cao nhất và ngân hàng SCB có giá bán USD thấp nhất so với các ngân hàng khác.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 24.250 đồng/USD và bán ra 24.330 đồng/USD, giá mua và giá bán không đổi so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 14/10/2022
ĐVT: đ/USD

Tỷ giá USD ngày 14/10/2022 tại các ngân hàng tiếp tục tăng

USD thế giới giảm nhẹ
USD Index hiện ở mức 112,58 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD giảm 0,1% ở mức 0,9770. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,31% ở mức 1,1296. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,07% ở mức 147,32.
Theo Investing, đồng USD đã giao dịch trong một biên độ hẹp và giảm nhẹ so với hầu hết các loại tiền tệ sau báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến của Mỹ do một số nhà đầu tư cho rằng phản ứng ban đầu của thị trường đối với dữ liệu là quá mức.
Dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ cho thấy CPI đã tăng 0,4% trong tháng trước sau khi tăng 0,1% trong tháng 8. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo chỉ số CPI tăng 0,2%. Trong 12 tháng tính đến tháng 9, chỉ số CPI tăng 8,2% sau khi tăng 8,3% trong tháng 8. CPI hàng năm vẫn trên 8% vào tháng 9, duy trì gần với mức đỉnh 40 năm đạt được hồi đầu năm 2022.
Trước đó, đồng USD vẫn ghi nhận lực hỗ trợ từ sau khi các nhà hoạch định chính sách nhất trí về sự cần thiết phải thắt chặt tiền tệ hơn để chống lạm phát. Các nhà phân tích tại ING cho rằng điều này đang giữ cho xu hướng giảm giá chung của tài sản rủi ro và đồng bạc xanh được hỗ trợ ít nhất là cho đến quý I năm 2023.
Ở một diễn biến khác, đồng bảng Anh có được nhịp tăng trong bối cảnh không rõ ràng về việc liệu Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có rút lại hỗ trợ cho thị trường nợ vào thứ 6 này như Thống đốc BOE Andrew Bailey đã tuyên bố hồi đầu tuần hay không. Nhưng với việc chi phí đi vay của chính phủ Anh đạt mức cao nhất trong 20 năm và các cam kết với kế hoạch chi tiêu của chính phủ, Anh có thể sẽ phải chịu áp lực thu hồi vốn.
Trong khi đó, tỷ giá EUR/USD đã giảm sâu thêm sau khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Đức được xác nhận ở mức cao vào tháng 9, cao hơn 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái khi được điều chỉnh để so sánh với các nước châu Âu khác. Còn hai tuần nữa là đến cuộc họp tháng 10 của ECB, các thị trường gần như đang kỳ vọng với mức tăng 75 điểm cơ bản và tổng cộng 230 điểm thắt chặt vào giữa năm 2023.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC