Sáng hôm qua (15/9), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006-2015) và tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình Quốc gia năng suất chất lượng.

“Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế.”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Trần Việt Thanh đánh giá những tiến bộ của Việt Nam kể từ thập niên chất lượng lần thứ nhất (1996-2005).

Thứ trưởng lấy dẫn chứng, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước từ mức không đáng kể lên 25% trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến đạt mục tiêu trên 30% trong năm nay.

Báo cáo của Bộ KHCN cũng chỉ ra rằng, trong Thập niên chất lượng lần I (1996-2005),  nhận thức xã hội chú trọng tập trung vào yếu tố chất lượng được quan tâm mà có phần xem nhẹ yếu tố “năng suất”, song điều này đã thay đổi. Thập niên chất lượng lần hai (2006-2015) đã đề cập đến “năng suất chất lượng” và cũng chính là nội dung xuyên suốt các hoạt động kinh tế-xã hội, và sản xuất-kinh doanh.

“Việt Nam đang trên đà cải thiện năng suất tương đối bền vững”, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đánh giá. Năng suất lao động năm 2014 đã gấp 1,5 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân 3,5% mỗi năm. “Người tiêu dùng trong nước ngày càng tin tưởng hàng Việt Nam”, ông Dũng dẫn chứng kết quả từ một bản điều tra chuyên ngành.

Tuy nhiên các đại biểu đều nhất trí rằng trong quá trình cải thiện năng suất chất lượng, Việt Nam cần phải tập trung hơn nữa. Ông Dũng cho rằng tỷ lệ hàng xuất khẩu bị trả lại vẫn còn quá cao, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản, nông sản khi những mặt hàng này vẫn duy trì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao. "Điều này làm ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp, và vị thế xuất khẩu của Việt Nam", ông nhận định.

“Làm sao để giữ được hàng Việt Nam trên sân nhà, muốn người Việt dùng hàng Việt thì phải nâng cao năng suất chất lượng”, bà Phạm Thu Giang, Phó vụ trưởng vụ KHCN, Bộ Công Thương lo ngại trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bà cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam nếu không thay đổi thì sẽ gặp “rất nhiều khó khăn trong quá trình sàng lọc tự nhiên”.

Theo báo cáo Bộ KHCN, Việt Nam đã xây dựng và công bố 4.485 tiêu chuẩn quốc gia, đưa tổng số tiêu chuẩn quốc gia hiện hành lên 8.800 TCVN, tỷ lệ hài hòa với quốc tế và khu vực là 45%.

Tuy nhiên đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam cần phải linh động, và thay đổi thường xuyên để đáp ứng với nhu cầu người tiêu dùng.

Đồng quan điểm này, GS Vũ Minh Khương thuộc ĐH Quốc gia Singapore cho rằng trong cạnh tranh, mặc dù giảm giá thành là một yếu tố song doanh nghiệp cần phải “nâng cao khả năng đáp ứng nhanh nhạy yêu cầu khách hàng”.  Ông nhấn mạnh công nghệ là một yếu tố cốt lõi để thay đổi năng suất lao động, sản xuất.

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng được 6.000 TCVN, 60% TCVN của hệ thống quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Dự kiến 60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

Năng suất các yếu tố tổng hợp – Total Factor Productivity (TFP) phản ánh sự đóng góp của các yếu tố vô hình như kiến thức- kinh nghiệm- kỹ năng lao động, cơ cấu lại nền kinh tế hay hàng hoá - dịch vụ, chất lượng vốn đầu tư mà chủ yếu là chất lượng thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý...

Tác động của nó không trực tiếp như năng suất bộ phận mà phải thông qua sự biến đổi của các yếu tố hữu hình, đặc biệt là lao động và vốn. (Cách gọi khác của TFP là MFP – Multifactor productivity).

Tăng TFP là yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững.

Tăng tỷ trọng đóng góp của TFP sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, không những chống được nguy cơ tụt hậu xa hơn mà còn góp phần chuyển nền kinh tế lên đẳng cấp mới, vị thế mới trong quan hệ so sánh với quốc tế.

 

Đức Anh