Ít thương hiệu mạnh
Mới đây, Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 40 thương hiệu công ty có giá nhất tại Việt Nam, với tổng giá trị thương hiệu xấp xỉ 5 tỷ USD. Vinamilk đang dẫn đầu trong danh sách này với giá trị tương đương 1,52 tỷ USD, Viettel xếp thứ 2 với giá trị 752 triệu USD. Các vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt thuộc về Vingroup giá trị 279 triệu USD; Sabeco 247 triệu USD; FPT 171 triệu USD; Vietinbank 147 triệu USD; Vietcombank 135 triệu USD; Masan Group 126 triệu USD; BIDV 125 triệu USD; Việt Nam Arilines 78 triệu USD...
Danh sách này cho thấy, một số thương hiệu của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường trong nước và được thị trường thế giới biết đến. Tuy nhiên, nếu so với hàng trăm nghìn DN đang hoạt động trên cả nước thì con số 40 thương hiệu có giá trị nhất lại chưa thấm vào đâu. Chưa kể, giá trị thương hiệu của ta đang giảm dần.
Theo một điều tra được Công ty Brand Finance - một công ty chuyên định giá thương hiệu - công bố tại Diễn đàn “Thương hiệu quốc gia” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2015 là 140 tỷ USD, năm 2014 là 172 tỷ USD, tương đương đã giảm 19%. Nếu so với các nước trong khu vực ASEAN, giá trị thương hiệu Việt Nam xếp sau rất nhiều nước như Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines.
PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh - thành viên Ban cố vấn chương trình Thương hiệu quốc gia - chia sẻ, số thương hiệu Việt Nam được người tiêu dùng thế giới biết đến chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Đây là điều rất đáng buồn!. Nhãn dán của nhiều sản phẩm Việt Nam được bày bán tại các siêu thị nước ngoài chỉ ghi chung chung “Product of Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam). Như vậy, người tiêu dùng không biết đây là hàng do DN cụ thể nào xuất khẩu.
Đẩy mạnh hỗ trợ cho DN
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia - nhận định, phát triển thương hiệu đang là chủ đề “nóng” và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, với hơn 90% DN vừa và nhỏ, thậm chí nhiều DN siêu nhỏ, thì việc xây dựng thương hiệu cho DN phải có giải pháp, chiến lược cụ thể. Nhiều DN rất muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhưng khó khăn do tiềm lực tài chính còn hạn chế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - cho rằng, các cơ quan chức năng cần đưa ra thêm những cơ chế, chính sách hiệu quả bảo vệ hàng hóa trong nước. Hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn nhằm giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu. DN sản xuất cũng cần được tạo cơ hội về mặt bằng khi xây dựng đại lý phân phối để đưa sản phẩm hàng hóa đến gần nhất với người tiêu dùng.
Về phía địa phương, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy chế hỗ trợ các DN trên địa bàn thành phố xây dựng và phát triển thương hiệu năm 2016. Cụ thể, Hà Nội sẽ đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; hỗ trợ đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận biết thương hiệu tương ứng cho các thương hiệu DN, hoặc thương hiệu sản phẩm… Tỉnh Nghệ An cũng quyết định hỗ trợ DN 50% tổng chi phí tư vấn đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng (lô-gô); tư vấn xây dựng các hoạt động truyền thông marketing, quảng bá các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN trên các phương tiện truyền thông; Hỗ trợ 50% chi phí bảo vệ thương hiệu khi có tranh chấp hoặc khi bị vi phạm thương hiệu… Đây được đánh giá là động thái tích cực, kịp thời, giúp hỗ trợ DN xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm.
PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh - thành viên Ban cố vấn chương trình Thương hiệu quốc gia: Việc thiếu thương hiệu sản phẩm dẫn đến hệ lụy nếu chỉ 1 trong số 70 DN Việt làm ăn chụp giật, người tiêu dùng cũng sẽ cho rằng tất cả các DN Việt đều làm ăn chụp giật.
Nguồn: Phương Lan/baocongthuong.com.vn