Một trong 6 giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang châu Á - châu Phi là giao thiệp ở các cấp với các đối tác nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động thương mại thông suốt, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. 
Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường khu vực châu Á - châu Phi năm 2021. Ảnh: Samsung Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, tính toán mới nhất dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á - châu Phi năm 2021 đạt 444 tỷ USD, tăng 22,38% so với năm 2020, đóng góp 67,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Á - châu Phi đạt 165,9 tỷ USD, tăng 14,62%, chiếm 50,2% xuất khẩu của Việt Nam ra toàn thế giới.
Các nhóm hàng có kim ngạch lớn bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện (ước đạt 32,29 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước đạt 27,32 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (ước đạt 13 tỷ USD); hàng dệt may (ước đạt 10,6 tỷ USD).
Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tại khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần vào sự tăng trưởng tích cực của xuất khẩu của Việt Nam.
Năm nay, Bộ Công Thương nhận định thương mại của Việt Nam với các thị trường trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn là trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Nhu cầu hàng hóa của khu vực sản xuất và người tiêu dùng có thể phục hồi ở mức trước đại dịch, nhưng khó có sự tăng trưởng đột biến. Nhiều thị trường tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm soát người và hàng hóa ngặt nghèo tại các cửa khẩu và cảng biển…
Trong bối cảnh đó, Bộ này xác định tập trung thực hiện 6 giải pháp để phát triển thị trường khu vực châu Á - châu Phi trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thương mại song phương và hợp tác tiểu vùng của Việt Nam với các đối tác trong khu vực nhằm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu hướng tới mục tiêu phát triển thương mại bền vững của Việt Nam.
Thứ hai, tiến hành giao thiệp ở các cấp với các đối tác nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động thương mại thông suốt, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Thứ ba, thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), FTA Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), …; tích cực khai thác các cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước trong RCEP khi hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn tiếp cận thị trường, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức về phát triển thị trường chủ lực, mở rộng thông tin về các thị trường mới, thị trường ngách.
Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương, tham dự hội chợ, triển lãm, trong đó đa dạng hóa các hình thức tổ chức và thực hiện, kết hợp giữa hoạt động trực tuyến và trực tiếp; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thương mại, xúc tiến thương mại.
Thứ sáu, nâng cao năng lực của doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, chủ động nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ/Chi nhánh thương vụ và Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại thị trường nước ngoài kịp thời thông tin về tình hình thị trường, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Nguồn: haiquanonline