Giám đốc nghiên cứu của HKTDC Phạm Uyển Nhi cho biết, việc chỉ số này giảm 3 quý liên tiếp cho thấy triển vọng xuất khẩu trong ngắn hạn ảm đạm hơn.
Bà nhấn mạnh, nếu tình hình tiếp tục kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà xuất khẩu trong quý sau, nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định ở giai đoạn hiện nay. HKTDC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 8%.
Theo số liệu khảo sát quý của HKTDC đối với 500 nhà xuất khẩu trong 6 lĩnh vực chính bao gồm máy móc, điện tử, trang sức, đồng hồ, đồ chơi và quần áo, 93,1% số doanh nghiệp cho rằng hoạt động trong quý I chịu tác động của dịch bệnh, tăng 6,1% so với quý trước đó.
Trong khi đó, trong quý I năm nay, chỉ số niềm tin vào thị trường xuất khẩu của 6 ngành xuất khẩu chủ chốt ở Hong Kong đều dưới 50 điểm. Ngành sản xuất đồng hồ bi quan nhất, khi chỉ số niềm tin chỉ đạt 19,7 điểm, trong khi chỉ số niềm tin của ngành công nghiệp máy móc giảm mạnh nhất (19,1 điểm).
Trong khi đó, ngành đồ chơi lạc quan nhất, khi chỉ số tăng 8,5 điểm lên 33,5 điểm và đây là ngành duy nhất ghi nhận chỉ số xuất khẩu tăng.
Chỉ số niềm tin được đưa ra hàng quý và nếu trên 50 điểm sẽ phản ánh triển vọng ngắn hạn tích cực, thái độ lạc quan và ngược lại.
Chuyên gia kinh tế Nghiêm Dĩnh Đồng của HKTDC nhấn mạnh, gần như chỉ số niềm tin của mọi ngành nghề và mọi thị trường đều giảm, phản ánh sự bi quan của các nhà xuất khẩu đối với triển vọng ngắn hạn.
Đồng thời, gần 48,1% số doanh nghiệp cho biết, không thể chuyển phần chi phí gia tăng cho bên mua, 65,8% số nhà xuất khẩu dự kiến lợi nhuận ròng sụt giảm so với cùng kỳ trong 12 tháng tới.
Chuyên gia Nghiêm Dĩnh Đồng tiếp tục nhấn mạnh, các nhà xuất khẩu Hong Kong cũng bi quan về triển vọng ngắn hạn đối với các thị trường xuất khẩu chính, khi chỉ số niềm tin về tất cả các thị trường chính đều sụt giảm.
Nhật Bản và Trung Quốc là những thị trường có triển vọng tốt nhất, với chỉ số lòng tin lần lượt đạt 45,6 điểm và 42,1 điểm, trong khi chỉ số vào thị trường Mỹ giảm 3,8 điểm, xuống còn 39,1 điểm.
Về triển vọng thời gian tới, 53% số nhà xuất khẩu lo ngại về tình hình dịch bệnh, tăng mạnh so với tỷ lệ 32,5% của quý trước. Bên cạnh đó, một số nhà xuất khẩu cho rằng kinh tế phục hồi chậm và lưu lượng người thông quan chưa thể phục hồi bình thường là những thách thức chủ yếu phải đối mặt.
Do đó, 38,5% số nhà xuất khẩu cho biết đang có kế hoạch phát triển sản phẩm khác, 29,9% lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, 29,4% xây dựng kế hoạch phát triển các kênh bán hàng, mua sắm trực tuyến./.

Nguồn: bnews.vn