Trao đổi với VnExpress xung quanh lộ trình đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam - Trần Quốc Khánh cho hay các bên đang “rất nỗ lực” tháo gỡ những vướng mắc song phương để đi đến thỏa thuận cuối cùng tại vòng đàm phán cấp bộ trưởng lần tới.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho biết không thể chắc chắn 100% về một lịch họp sẽ diễn ra trong tháng 9, đồng thời chưa thể tiết lộ kết quả cuộc làm việc mới đây với Cơ quan Thương mại Mỹ để giải quyết một số vấn đề song phương trước khi đưa ra bàn đàm phán toàn thể.
Trước đó, chủ đề đàm phán TPP cũng là một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm của giới chuyên gia khi thảo luận tại diễn đàn Kinh tế Mùa Thu, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ở Thanh Hóa hôm qua (27/8).
Chia sẻ tại diễn đàn, cựu Bộ trưởng Thương Mại – Trương Đình Tuyển cho rằng cơ hội để kết thúc đàm phán cuối năm nay vẫn còn. “Việt Nam cũng còn một số vấn đề song phương chưa thống nhất được nhưng ngày 12/9 tới, phái đoàn của Mỹ sẽ sang đây để thương thảo”, ông Tuyển tiết lộ. Ông Tuyển cho biết trường hợp bỏ lỡ cơ hội ký kết cuối năm nay, các nước phải chờ đến năm 2017.
Trả lời báo chí Việt Nam tại Mỹ hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng bày tỏ quan điểm Hội nghị Bộ trưởng không thể muộn hơn sau tháng 9 bởi Chính quyền Mỹ sẽ không kịp trình Hiệp định ra Quốc hội của họ trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016. Theo ông Khánh, đàm phán vẫn chưa thể kết thúc vì còn 3 nội dung quan trọng chưa đạt được đồng thuận.
Thứ nhất là mở cửa thị trường ôtô. Mỹ và Nhật đã đạt được thỏa thuận về việc này nhưng Mexico và Canada chưa nhất trí do thỏa thuận này cho phép Nhật Bản được hưởng quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Điều này đồng nghĩa với việc Nhật có thể sử dụng phụ tùng, linh kiện sản xuất ngoài TPP, thì xe Nhật sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn và sẽ có thêm thị phần trên thị trường Mỹ, ảnh hưởng tới Mexico và Canada.
Trong khi đó, đối với Nhật Bản, mặt hàng ôtô lại có tầm quan trọng đặc biệt nên một khi đã phải đưa ra rất nhiều nhượng bộ về nông sản để đổi lấy việc mở cửa thị trường ôtô, họ sẽ không chấp nhận lùi bước. Có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản khiến Hội nghị Bộ trưởng tại không thể kết thúc thành công.
Thứ hai là mở cửa thị trường sữa. mặt hàng quan trọng đối với Australia và New Zealand. Tuy nhiên, bản chào của một số nước cho Australia và New Zealand vẫn còn quá khiêm tốn nên cả hai nước này đều chưa chấp nhận.
Thứ ba là sở hữu trí tuệ. Đàm phán sở hữu trí tuệ vẫn còn một số vấn đề chưa kết thúc nhưng nổi bật nhất là thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho thuốc sinh học (sinh dược). Do có đặc thù riêng nên sinh dược rất khó dùng bằng sáng chế để bảo hộ nên các nhà sản xuất sinh dược đề nghị kéo dài thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm so với thông lệ chung là 5 năm. Mỹ đề nghị 12 năm nhưng tất cả các nước đều phản đối.
Theo Chí Hiếu
VnExpress