Như vậy, mức tăng trung bình là 16,76% so với năm 2015.

Theo báo cáo đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) gửi Hội đồng tiền lương Quốc gia vào ngày 15-7, dự báo trong giai đoạn 2015-2017, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm; tăng trưởng kinh tế khoảng  6,5%/năm; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3 - 3,5%/năm.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm của người lao động cũng có nhiều thuận lợi trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, đời sống của người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 do TLĐLĐ đề xuất tăng từ 350.000 – 550.000 đồng/tháng:
Mức tăng trên, theo TLĐLĐ, đã căn cứ vào quy định của pháp luật như Điều 91 của Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Tăng thêm ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Bên cạnh đó, theo Luật BHXH 2014 (Điều 89), từ đầu năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Vì vậy, lộ trình tăng mức lương tối thiểu mà TLĐLĐ đưa ra sẽ tránh gây đột biến về chi phí của doanh nghiệp nhưng phải bù đủ trượt giá (dự kiến khoảng 5%/năm); Tăng theo mức tăng năng suất lao động khoảng 3 - 3,5%/năm để cải thiện tiền lương của người lao động.

Bên cạnh đó, TLĐLĐ VN cũng đề xuất mức tăng lương cho năm 2017 từ 500.000 đến 650.000 đồng so với năm 2016, tùy theo vùng, tương đương tăng bình quân hơn 19%. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,3 triệu đồng; vùng 2 là 3,8 triệu đồng; vùng 3 là 3,35 triệu đồng; vùng 4 là 3 triệu.

Trước đó, đại diện cho giới doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, lương tối thiểu vùng năm 2016 dự kiến vẫn chỉ tăng ở mức hơn 10% như năm 2015 do kinh tế đã khởi sắc hơn nhưng năng suất lao động chưa tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn.

“Về cơ bản, điều chỉnh lương tối thiểu vùng phải đảm bảo được hai yếu tố là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động và vẫn duy trì được tính cạnh tranh của doanh nghiệp, sự phát triển ổn định của nền kinh tế” – ông Lộc nói.

Song, theo VCCI, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hàng năm còn nhiều bất cập gây tranh cãi liên quan tới lương tối thiểu có đáp ứng được mức sống tối thiểu hay không và đáp ứng được bao nhiêu phần trăm.

Vài năm gần đây, điều chỉnh lương cao hơn chỉ số GDP và CPI từ 2 đến 3 lần gây khó khăn cho doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí công đoàn của doanh nghiệp.

Dự kiến vào tuần cuối cùng của tháng 7 này, Hội đồng tiền lương quốc gia, gồm đại diện ba bên: phía Chính phủ là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); đại diện cho phía sử dụng lao động là VCCI, và đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, nhằm kịp thời trình Chính phủ vào tháng 10 tới.

Nguồn: TBKTSG