Không chỉ tăng trưởng ấn tượng, 10 năm trở lại đây, cơ cấu ngành hàng của Việt Nam cũng có sự thay đổi đáng kể với sự vươn lên mạnh mẽ của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc...

Dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu được khơi thông trong bối cảnh dịch bệnh giúp năm 2021 đạt kỷ lục hơn 600 tỷ USD. Ảnh: T.Bình

Dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu được khơi thông trong bối cảnh dịch bệnh giúp năm 2021 đạt kỷ lục hơn 600 tỷ USD. Ảnh: T.Bình
Hàng công nghệ lên ngôi
Năm 2021, xuất khẩu có tới gần 40 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 8 nhóm hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Đặc biệt, các nhóm hàng chủ lực có thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây, đóng góp lớn vào xuất khẩu đến từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… thì hiện nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên mạnh mẽ của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc…

Nếu duy trì được mức tăng trưởng 54,2% như giai đoạn 2017-2021, giai đoạn 2022-2026, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt 1.000 tỷ USD (ước tính đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025).

Năm 2011 có 3 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là dệt may (hơn 14 tỷ USD), than đá (hơn 7,1 tỷ USD), giày dép (6,55 tỷ USD), đến năm 2021, 3 nhóm hàng lớn nhất lần lượt là: điện thoại đạt gần 60 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt khoảng 50 tỷ USD; máy móc, thiết bị đạt gần 40 tỷ USD.
Trong 10 năm, kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng lớn này tăng từ 8 đến khoảng 10 lần. Trong khi đó, cùng thời gian, dệt may chỉ tăng hơn 1 lần, giày dép tăng khoảng 2 lần, còn than đá chỉ đạt hơn 200 triệu USD.
Những dữ liệu nêu trên cho thấy được phần nào ưu thế, giá trị thặng dư và sức mạnh công nghệ trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đơn cử như mặt hàng điện thoại, chỉ với sự góp mặt của Tâp đoàn Samsung và vài trăm nghìn lao động ở các cứ điểm sản xuất tại Bắc Ninh hay Thái Nguyên nhưng đã tạo ra kim ngạch xuất khẩu vượt xa ngành hàng dệt may với hàng nghìn nhà máy trải dài khắp cả nước, sử dụng tới khoảng 2 triệu lao động.
Chiều ngược lại, năm 2011, nhập khẩu mới có 25 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, nhưng vào năm ngoái con số này đã lên đến con số gần 50 nhóm.
Đặc biệt, trong năm 2021, cơ cấu hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu vào nhóm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, nhất là các lĩnh vực mới như hàng điện tử (điện thoại, máy vi tính) hay máy móc, thiết bị; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… Điều này cho thấy, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt nhiều khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được nỗ lực duy trì một cách bền vững.

Điều làm nên kỷ lục hơn 600 tỷ USD xuất nhập khẩu

 
Kim ngạch các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực qua 10 năm, đơn vị "triệu USD". Biểu đồ: T.Bình
Tăng trưởng bền vững
Cùng với sự chuyển biến về cơ cấu ngành hàng, các vùng trọng điểm, các tỉnh, thành xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, trong đó tập trung vào hai địa bàn chủ lực là Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Nếu như trước đây khi nói đến hoạt động xuất nhập khẩu thường gắn liền với TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, thì nay chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương… Trong đó, năm 2021 chứng kiến sự so kè thú vị ở hai vị trí dẫn đầu về xuất khẩu với sự vươn lên mạnh của Bắc Ninh để cùng với “đầu tàu” kinh tế TPHCM trở thành hai địa phương có kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD.
Về các đối tác thương mại, hiện Việt Nam có quan hệ giao thương với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó có nhiều đối tác lớn với thương mại song phương lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ USD/năm. Có thể kể đến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực ASEAN ở châu Á, hay Đức, Hà Lan... ở châu Âu; và tất nhiên không thể thiếu nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt quy mô kim ngạch song phương hơn 100 tỷ USD (năm 2021 có thể đạt gần 160 tỷ USD).
Sự đa dạng, phong phú về ngành hàng, địa bàn và đối tác thương mại là những trụ đỡ quan trọng giúp Việt Nam trụ vững và lập được kỷ lục về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 dù trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và phức tạp cả ở trong nước và trên thế giới.
Cùng với các yếu tố về ngành hàng, địa bàn, đối tác thương mại, việc Việt Nam ký kết, tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới cũng là yếu tố quan trọng giúp hoạt động xuất nhập khẩu có sự phát triển nhanh chóng, bền vững và thể hiện được vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Với kim ngạch XNK vượt 600 tỷ USD trong năm 2021, con số này gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ Đổi mới.
 

Nguồn: Haiquanonline/Thái Bình