Khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết, những thách thức đặt ra đối với ngành chăn nuôi sẽ rất lớn. Các chuyên gia cho rằng chỉ khi những vướng mắc, bất cập trong chính sách liên quan tới phát triển ngành này được tháo gỡ thì mới có thể đưa ngành đương đầu với thử thách hội nhập.
TS Đoàn Xuân Trúc, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi VN, cho biết, manh mún, tự phát, nguy cơ dịch bệnh dẫn đến năng suất nuôi thấp, giá thành cao là những thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi khi VN hội nhập sâu. Dù có rất nhiều chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi ban hành thời gian qua nhưng người dân không thể tiếp cận được, chưa kể có những chính sách gây khó khăn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Trong nhiều cơ chế chính sách, nếu chúng ta không thay đổi thì ngành chăn nuôi khó có thể tiến bộ. “Tại sao các nước Châu Âu có nhiều cơ chế chính sách bảo hộ cho ngành chăn nuôi trong khi tỉ lệ người làm chăn nuôi ở nước ta cao hơn họ? Ngay như khu vực Thái Lan, chỉ có 3% người làm ngành chăn nuôi, một số nước thuộc Châu Âu, Châu Mỹ không đến 1%, Trung Quốc cao hơn cũng chỉ đến 4-5%, chúng ta đến 10%. Đó là nguyên nhân khiến chúng ta không thể cạnh tranh nổi”, ông Trúc lấy dẫn chứng.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN cho rằng, nhiều chính sách chăn nuôi không hiệu quả, thậm chí còn cản trở. Trong khi cơ cấu tiêu dùng của xã hội đã thay đổi thì cơ cấu sản xuất vẫn chưa thay đổi kịp để đáp ứng. Theo ông Lịch, với cơ chế, chính sách đầu tư cho chăn nuôi như hiện nay, chăn nuôi sẽ rất khó khăn.
Ông Lịch dẫn chứng, lãi suất cho vay trong ngành chăn nuôi nước ta sẽ mang lại bất lợi với ngành so với các nước khác. Cụ thể như, lãi suất ưu đãi cho nông nghiệp ở mức 7%, trong khi Trung Quốc chỉ có 5%, Thái Lan 3%, Mỹ cũng chỉ có 0,5%. "Vậy Việt Nam phải cạnh tranh thế nào khi mà còn tồn tại những yếu tố đấy? Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước chưa chuẩn bị hành trang cho hội nhập, khó tiếp cận được nguồn vốn, thông tin thị trường mù mờ"- Ông Lịch nêu thực tế.
TS Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam khẳng định rào cản lớn nhất của ngành chính là chính sách. Ông Khanh đưa ví dụ một quả trứng gà hiện nay đang cõng 14 loại phí để đề nghị cơ quan quản lý, hiệp hội cho doanh nghiệp được tham gia xây dựng chính sách. Theo ông Khanh, với điều kiện kỹ thuật, trình độ, con giống Việt Nam tương đương nhiều nước khác, giá thức ăn tuy có cao hơn một chút song không có lý do gì ngành chăn nuôi lại thua trên sân nhà.
Hơn nữa, nếu biết tận dụng lợi thế, ngành chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn xuất khẩu được. Chẳng hạn như ở Mỹ, thói quen người tiêu dùng chỉ ăn ức gà còn đùi cánh rẻ xuất khẩu thì ngược lại, Việt Nam nên cắt phấn ức xuất khẩu, để lại đùi cánh tiêu dùng.
Ông Khanh cũng cho hay, hiện nay giá trứng ở Mỹ đang rất cao và “ông lớn” KFC đã phải mua trứng gà ở Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất. Đây là lợi thế cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
“Rào cản lớn nhất là chính sách. Nếu con gà cắt rời ra, nhập khẩu về thì thuế 20% nhưng để nguyên con thì 40%. Doanh nghiệp nhập khẩu cắt mỗi đầu để cạnh tranh thì thuế cũng chỉ 20% dẫn đến tình trạng hàng trăm nghìn tấn chân, cánh nhập lậu không kiểm soát được”, ông Khanh bức xúc nói.
Trước đó, tại hội thảo về chăn nuôi gà diễn ra cuối tháng 8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng, ngành chăn nuôi phải hành động chứ không thể chỉ kêu ca mà không làm gì. Hướng tới ngành chăn nuôi gà phát triển mạnh hơn, tỷ trọng sản phẩm gia cầm trong bữa ăn người Việt cao hơn nữa, giảm bớt thịt lợn, tiến tới xuất khẩu.
“Tôi đã đặt hàng với Cục chăn nuôi và Cục Thú y, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi gà như Thái Lan. Các đồng chí đi khảo sát đi xem Thái Lan làm thế nào, giống, thức ăn, chuồng trại, tổ chức sản xuất, hệ thống kinh doanh thương mại… thấy cái gì hay thì học tập”, Bộ trưởng Phát nói.
Hoàng Hà