Tăng trưởng doanh thu sau hai tháng liên tiếp sụt giảm
Mới đây, CTCP Vĩnh Hoàn cho biết doanh thu trong tháng 7 tăng 48% lên 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 13% so với tháng 6.
Trước đó, trong quý II, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng 80% và 200% so với cùng kỳ năm ngoái lên lần lượt là 4.226 tỷ đồng và 788 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt gần 26%, cao hơn rất nhiều so với mức 18,5% so với quý II/2021 chủ yếu nhờ giá cá tra tăng mạnh.
H.Mĩ tổng hợp từ BCTC của Vĩnh Hoàn qua các năm
H.Mĩ tổng hợp từ BCTC của Vĩnh Hoàn qua các năm
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần 7.494 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.341 tỷ đồng, tăng tương ứng 81% và 241% so cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau 6 tháng.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ hồi tháng 4, Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn nhận định: “Năm 2022 sẽ thật vi diệu. Năm ngoái thiếu cá, năm nay cũng sẽ thiêu hơn và điều này làm toàn ngành đều có lợi”.
Tuy nhiên, ngành cá tra có thật sự “vi diệu” và “thiếu nguồn cung” hay không vẫn đang điều chưa thể chắc chắn bởi đã có dấu hiệu chững lại về con số xuất khẩu và sản lượng cá tra toàn ngành, đặc biệt là khi nhìn vào số liệu của những tháng đơn lẻ thay vì theo quý hay 6 tháng đầu năm.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 6 giảm 20% so với tháng 5 xuống khoảng 200 triệu USD, theo tính toán từ số liệu của VASEP. Nếu so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 6 giảm tới 35%. Đồng thời đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp.

 Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu sản lượng cá tra quý II/2022 ước đạt 430 nghìn tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước do giá tăng cao, kích thích người dân tăng cường thả giống. Luỹ kế nửa đầu năm nây năm sản lượng ước đạt 772,5 nghìn tấn, tăng 11,2%.

Đã có những cảnh báo về kịch bản năm 2018 có thể lặp lại nếu người nuôi ồ ạt thả giống tiềm ẩn rủi ro cung vượt cầu. Thực tế, giá cá tra trong quý II giảm khoảng 15% so với quý I xuống khoảng 28.000 đồng/kg

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu
Trong khi đó, nhu cầu tại số thị trường chững lại, đặc biệt là tại Mỹ do hàng tồn kho lớn. Trước đó, trong quý I, Mỹ liên tục đẩy mạnh nhập khẩu cá tra khi thị trường này dần hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Doanh thu tháng 7 phục hồi nhưng vẫn chưa đủ mạnh
Đối với tình hình kinh doanh của Vĩnh Hoàn, mặc dù đã có sự phục hồi trong tháng 7 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các tháng 3, 4, 5. Trước đó, doanh thu của Vĩnh Hoàn trong tháng 6 giảm tới 30% so với tháng 5 xuống 1.063 tỷ đồng. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp trong quý II công ty ghi nhận doanh thu đi xuống.

Mỹ là thị trường đóng góp nhiều doanh thu nhất cho Vĩnh Hoàn với tỷ trọng khoảng 50%. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường kéo doanh thu của công ty giảm mạnh nhất trong tháng 6 khi kim ngạch chỉ đạt 330 tỷ đồng, sụt giảm tới 59% so với tháng 5.

Theo ước tính của SSI Research, biên lợi nhuận gộp của riêng mảng cá tra phi lê của Vĩnh Hoàn đạt khoảng 31% thấp hơn 5 điểm phần trăm so với quý I do chi phí thức ăn và nguyên liệu cá tăng lần lượt 15% và 10% so với quý trước.
Theo Agromonitor, chi phí thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trong tháng 7, mặc dù tốc độ tăng thấp hơn quý II/2022. Xuất khẩu sang Mỹ (chiếm 70% doanh thu cá tra) đạt đỉnh vào tháng 4 với mức tăng trưởng doanh thu là 240% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu giảm dần (so với tháng liền kề) do các nhà bán buôn bán phá giá hàng tồn kho ở Mỹ trong hai tuần cuối cùng của năm tài chính.
VASEP nhận định phải đến tháng 9, hoạt động nhập khẩu của Mỹ mới có thể tăng trở lại do các công ty chuẩn bị hàng để phục vụ hàng cho các dịp lễ Tết cuối năm.
SSI Research nhận định điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của Vĩnh Hoàn trong quý III.
Tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và EU có thể bù đắp một phần sự suy thoái của thị trường Mỹ?
Mặc dù chững lại trong những tháng gần đây, vẫn có những tín hiệu tích cực đối với Vĩnh Hoàn. Xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm 15% doanh thu cá tra) tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng trong tháng 5 (tăng 11% so với cùng kỳ) và tháng 6 (tăng 46% so với cùng kỳ).
SSI Research cho rằng với việc nền kinh tế mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến COVID-19 tại các cảng biển của Trung Quốc, Vĩnh Hoàn sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng nhanh của thị trường này, giúp bù đắp một phần sự suy thoái của thị trường Mỹ.
Trong tháng 7, doanh thu của Vĩnh Hoàn tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái lên 194 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16%. Nếu so với tháng 6, con số này cao hơn khoảng 22%.

 Bên cạnh đó, mặt hàng cá tra với đặc thù là giá rẻ được cho là sẽ được hưởng lợi từ việc lạm phát trên thế giới ngày một tăng cao.

Tại toạ đàm “Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng”, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng “Áp lực lạm phát sẽ đè nặng lên mặt hàng có giá cao như tôm, mực nhưng lại là cơ hội với những mặt hàng có giá vừa phải như cá tra”.
Bên cạnh đó, việc EU áp lệnh trừng phạt lên cá thịt trắng của Nga cũng được xem là cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam.
Trong quý II, xuất khẩu sang EU (chiếm 13% doanh thu cá tra) đạt mức tăng trưởng khá 29% so với cùng kỳ và 30% so với quý trước. Tuy nhiên, thị trường EU hiện không phải là thị trường trọng tâm của Vĩnh Hoàn.
Mới đây, VASEP nhận định: “Thiếu nguyên liệu cá thịt trắng giữa bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục tại EU, đó lại là cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Thuế quan ưu đãi EVFTA càng phát huy thêm lợi thế cho cá tra Việt Nam sang EU trong năm 2022”.
Ngoài ra, doanh thu từ mảng collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng 48% trong quý II đạt 231 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất collagen và gelatin đang hoạt động hết công suất với năng lực sản xuất là 3.500 tấn mỗi năm. Vĩnh Hoàn dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng dây chuyền collagen mới vào năm 2023, công suất 1.500 tấn (tăng 40% công suất) với vốn đầu tư là 600 tỷ đồng.
SSI Research cho rằng năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt là 13.500 tỷ đồng (tăng 49,2% so với năm 2021) và 2.200 tỷ đồng (tăng 99%) năm 2022. Điều này cũng có nghĩa là tăng trưởng lợi nhuận dự báo sẽ đạt mức 21% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022, do mức nền so sánh cao của quý IV/2021.
Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của Vĩnh Hoàn lần lượt ở mức 14.596 tỷ đồng và 2.159 tỷ đồng và cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm của Vĩnh Hoàn có thể giảm tốc so với 6 tháng đầu năm.
Bước sang năm 2023, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn được dự báo giảm sút sau một năm tăng trưởng mạnh.
“Năm 2023, chúng tôi kỳ vọng Vĩnh Hoàn sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 12.800 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng lần lượt giảm 5% và 20% so với năm 2022. Giá bán bình quân có thể giảm 36%, đạt 4 USD/kg vào năm 2023 do các chi phí nguyên vật liệu giảm”, SSI Research nhận định.

Nguồn: doanhnghiep.vn