Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 19,74 tỷ USD.
Lũy kế đến ngày 20/12/2021, cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Về đối tác đầu tư, hiện có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 74,7 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư).
Đáng chú ý, dù là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với gần 49,5 tỷ USD, tiếp theo là Bình Dương với gần 37,2 tỷ USD.
Đánh giá về tình hình thu hút FDI trong năm 2021, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong năm 2021 đã tăng 3% so với 11 tháng năm 2021, song vẫn giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020.
Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và số lượt góp vốn mua cổ phần đều giảm so với năm 2020. Sự suy giảm các dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD và dưới 1 triệu USD). Việc tăng vốn đầu tư cấp mới, vốn đầu tư điều chỉnh và giảm số lượng dự án cho thấy quy mô vốn đầu tư bình quân/dự án đầu tư mới cũng như điều chỉnh đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2020.
Đề cập đến nguyên nhân làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tuy dòng vốn FDI toàn cầu nửa đầu năm 2021 phục hồi tốt hơn dự kiến nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào ngành và chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay. Số lượng các dự án mới trong các ngành thâm dụng vào chuỗi giá trị toàn cầu (như điện tử, ô tô và hóa chất) đều giảm.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI lớn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Về chủ quan, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng về chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.
Ngoài ra, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày trong những tháng dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các KCN làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 241,9 tỷ USD, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 61,8 tỷ USD (chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 33,9 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).

 

Nguồn: haiquanonline/Xuân Thảo