Theo Undercurrent News, giá tôm nuôi ở một số vùng của Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất lịch sử, ảnh hưởng tới lợi nhuận của nông dân khi phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn.
Trong tuần 26 (27/6 - 2/7), giá tôm trung bình tại trang trại ở tỉnh Quảng Đông đối với tôm thẻ chân trắng nguyên con sống loại 60 con/kg là 43,5 Nhân Dân Tệ/kg (tương đương 6 USD/kg), giảm 37% so với mức cao nhất trong năm thiết lập trong tuần 16. Giá tôm cỡ 80 con/kg giảm 39% so với cùng kỳ xuống 36 Nhân Dân Tệ/kg, đồng thời đây là mức thấp nhất trong vòng ít nhất 7 năm.
Nguồn: Undercurrent News
Haid Group, nhà sản xuất thức ăn thuỷ sản lớn nhất Trung Quốc báo cáo mức giá thậm chí thấp hơn. Điển hình như ngày 3/7, tại khu vực Đồng bằng sông Châu Giang, giá tôm thẻ chân trắng loại 60 con chỉ còn khoảng 38 Nhân Dân Tệ/kg, loại 80 con là 32 Nhân Dân Tệ/kg.
Theo Aquaculture Wealth, giá tôm bắt đầu giảm từ cuối tháng 4, khi giá trung bình trên toàn quốc đối với tôm 80 con là 59 Nhân Dân Tệ/kg. Mức thấp nhất được ghi nhận ở tỉnh Phúc Kiến, nơi giá xuống thấp nhất là 26 Nhân Dân Tệ/kg. Như vậy, giá tôm hiện tại đã giảm 50% so với thời điểm tháng 4.
Mặc dù tháng 6,7 hàng năm khoảng thời gian thấp điểm nhưng năm nay đặc biệt nghiêm trọng bởi giá tôm đã giảm xuống dưới giá thành sản xuất và không khu vực nào thoát khỏi hiện tượng này.
Trái ngược hoàn toàn với giá tôm sụt giảm, giá thức ăn chăn nuôi lại có xu hướng tăng đều kể từ tháng 6. Đầu tháng 6, chính phủ Peru đã huỷ bỏ mùa đánh bắt cá cơm đầu tiên. Điều này khiến các nhà máy sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc bị thiếu nguyên liệu và buộc phải tăng giá.
Giá bột cá, thành phần quan trọng nhất trong thức ăn nuôi tôm, đã tăng 3.000 Nhân Dân Tệ/tấn trong vòng một tháng. Tồn kho bột cá tại các cảng Trung Quốc đang giảm nhanh chóng và giá bột cá của Peru đã tăng lên mức kỷ lục 18.000 Nhân Dân Tệ/tấn.
Trong điều kiện đầy thách thức, một số nông dân nuôi tôm tại tỉnh Giang Tôm đã kêu gọi dừng bán tôm trong vòng 5 ngày và đảm bảo giá tối thiểu. Họ kêu gọi các cơ quan chức năng ấn định giá tối thiểu cho tôm cỡ 60 - 70 con/kg ở mức 38 Nhân Dân Tệ/kg, 50 - 60 con giá 40 Nhân Dân Tệ/con và 50 con trở xuống là 44 Nhân Dân Tệ/kg.
“Nuôi tôm ngày càng rủi ro, chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi ngày đêm. Chất lượng tôm ở Giang Tô là tốt nhất cả nước nhưng tại sao chúng tôi phải bán với giá dưới chi phí sản xuất? Một trong những nguyên nhân là sự thiếu đoàn kết của các hộ nuôi”, một nông dân nuôi tôm cho biết.
Giám đốc điều hành của một công ty thức ăn chăn nuôi cho biết giá thức ăn nuôi tôm thường xuyên tăng chủ yếu do chi phí nguyên liệu thô tăng. Ông nói: “Không có công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nào sẵn sàng tham gia vào một hoạt động kinh doanh thua lỗ. Một mối lo khác của người nuôi tôm hiện nay là hệ số chuyển hoá thức ăn (FCR) cũng tăng. Một số người nuôi tôm phàn nàn việc chất lượng thức ăn ngày càng đi xuống.
Aquaculture Wealth cho rằng việc các hộ nuôi tôm kêu gọi tạm dừng bán hàng rất khó khả thi. Họ sẽ buộc phải bán khi tôm bị bệnh, việc trì hoãn hàng càng lâu, tổn thất càng nhiều. Ngoài ra, một số hộ có kỹ thuật nuôi tốt, năng suất vượt trội, giá thành thấp, do đó ngay cả khi giá giảm thì họ vẫn có lời. Do đó, họ sẽ vẫn tiếp tiếp tục bán ra, chấp nhận mức lợi nhuận hiện tại.
Một số ý kiến khác cho rằng giá tôm giảm mạnh do lượng nhập khẩu tăng đáng kể thời gian qua. Dữ liệu mới nhất của Hải quan Trung Quốc cho thấy lượng tôm nhập khẩu của nước này trong tháng 5 tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái lên 100.310 tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 55% lên 579 triệu USD, theo trang Undercurrent News. Tính chung 5 tháng qua, lượng tôm nhập khẩu tăng 48% lên 415.305 tấn; kim ngạch cũng tăng 28% lên 2,3 tỷ USD.
“Giá tôm trên toàn thế giới đang ở mức rất thấp, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nước khác. Giá ở nước ngoài cũng đang ở mức ảm đạm. Ví dụ, quy đổi sang đồng Nhân Dân Tệ, giá tôm Việt Nam loại 80 con khoảng 22 Nhân Dân Tệ/kg, Ecuador khoảng 22 Nhân Dân Tệ/kg, Thái Lan khoảng 26 Nhân Dân Tệ/kg”, một người trong ngành tôm Trung Quốc cho biết.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến tôm ở tỉnh Quảng Đông cho biết thị trường Châu Âu và Mỹ đang phải vật lộn với lạm phát. Tuy nhiên, vị này cho rằng có thể đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 ngành tôm sẽ có dấu hiệu cải thiện. Hiện tồn kho tại Mỹ đang ở mức thấp. Nhiều người tin rằng chỉ cần nhập khẩu tôm của Mỹ phục hồi thì thị trường toàn cầu sẽ cải thiện.