Theo Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có 25 công trình với 43 điểm rào chắn, trong đó nhiều hạng mục thi công kéo dài, gây cản trở giao thông như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, vành đai 2 (Bưởi - Trường Chinh), vành đai 1 (Đông Mác - Kim Ngưu).
Ngoài ra, số lượng phương tiện cá nhân đang tăng rất mạnh. 8 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới (hơn 39.000 ôtô, 143.000 môtô), nâng tổng số xe tại Hà Nội lên 5,5 triệu (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn hoạt động.
Trao đổi với VnExress, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông, (Bộ Giao thông) cũng nhận định, Hà Nội và TP HCM đang phải đối mặt với lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh trong khi hạ tầng chưa đáp ứng. Nhiều tuyến huyết mạch tại hai thành phố lớn đang phải rào chắn để xây dựng hạ tầng nên càng làm ùn tắc gia tăng.
Ông Thạch ước tính, đến năm 2018 khi hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội hoàn thành thì tình hình giao thông thủ đô mới cải thiện. Khi đó, thành phố cần có giải pháp hạn chế gia tăng xe cá nhân và khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng.
"Người dân cần chia sẻ với ngành giao thông về những khó khăn hiện tại. Trước mắt, Hà Nội có thể hạn chế tăng ôtô cá nhân như tăng một số loại thuế, phí trước bạ như đề xuất của TP HCM", ông Thạch nói.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông cho thấy quản lý giao thông đô thị của chính quyền thành phố kém hiệu quả. Ông lấy ví dụ, Hà Nội thiếu điểm đỗ xe nên phải ngăn đường để có chỗ đỗ, làm giảm diện tích lưu thông của phương tiện. Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị chậm chạp, thiếu biển báo trên các tuyến đường, tổ chức giao thông chưa tốt, gây khó khăn cho các phương tiện.
Đề cập việc xe cá nhân gia tăng, ông Thân Văn Thanh cho rằng, tăng số lượng phương tiện là tự nhiên do nhu cầu của người dân. Nếu nhà nước muốn giảm xe cá nhân thì phải có phương tiện công cộng thay thế để đáp ứng việc đi lại của người dân.
"Không ai muốn tự đi xe cá nhân nếu phương tiện công cộng hoạt động tiện lợi. Chính quyền cần có cách nhìn nhận đúng đắn về quản lý đô thị, không nên đổ lỗi cho xe cá nhân tăng nhanh", ông Thanh nói.
8 tháng đầu năm 2015, cảnh sát giao thông toàn quốc đã đăng ký mới gần 210 nghìn xe ôtô và hơn 2,1 triệu môtô, nâng tổng số phương tiện cả nước lên gần 2,6 triệu ôtô và gần 43,4 triệu môtô. Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (C67), đã kiến nghị lãnh đạo Bộ Giao thông cần có biện pháp quản lý gia tăng các loại xe cá nhân, nhất là ôtô.
Theo Đoàn Loan
Vnexpress