Hôm nay (3/11) là thời điểm cơ quan quản lý và doanh nghiệp tính toán và công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Trao đổi với VnExpress, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - Trần Ngọc Năm nhận định với diễn biến trên thị trường thế giới 15 ngày qua, nếu cơ quan điều hành thực hiện theo Nghị định 83 và không có tác động bên ngoài, giá bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh giảm.

"Tuy nhiên, mức độ giảm như thế nào còn phụ thuộc vào giá giao dịch tại thị trường Singapore ngày 2/11", ông nói.

 Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại TP HCM cho biết, theo tính toán của doanh nghiệp, mức điều chỉnh có thể là 500-600 đồng một lít với xăng và 300-400 đồng với dầu. "Lần điều chỉnh gần đây nhất là 130 đồng mỗi lít không tác động nhiều đến doanh thu của doanh nghiệp, nhưng lần này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng", vị này cho biết.

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên châu Á chiều 2/11, sau khi số liệu sản xuất Trung Quốc, thị trường năng lượng lớn nhất thế giới, yếu hơn dự báo. Mỗi thùng dầu thô Mỹ - WTI giao tháng 12 mất 0,21 USD xuống 46,38 USD. Trong khi đó, dầu Brent trên sàn ICE London rung lắc mạnh. Đầu giờ chiều, giá Brent tăng nhẹ 0,02 USD lên 49,58 USD, sau khi liên tục lên xuống buổi sáng.

Trước đó, giá dầu đã tăng 3 phiên liên tiếp do sản lượng dầu thô Mỹ giảm, làm tăng kỳ vọng việc này có thể xoa dịu dư cung - yếu tố gây áp lực lên thị trường hơn một năm qua. Tính chung từ giữa tháng 10, dầu Brent đã tăng 1,6%, trong khi dầu WTI gần như đứng yên. Tuy vậy, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như tùy vào hợp đồng giao dịch của các doanh nghiệp.

Lần điều chỉnh gần đây nhất hôm 19/10, giá xăng RON 92 được doanh nghiệp giảm phổ biến về mức 18.000 đồng một lít (hạ 130 đồng), trong khi tăng giá các mặt hàng dầu 170-280 đồng một lít. Tình từ từ đầu năm đến nay, xăng trải qua 6 lần tăng và 8 lần giảm, song mặt bằng giá hiện tại vẫn cao hơn so với cuối năm ngoái khoảng 120 đồng mỗi lít.

Theo Kỳ Duyên

VnExpress

Nguồn: VnExpress