Decker Walker, chuyên gia về kinh doanh nông sản của BCG, nhận định rằng dù toàn thế giới đang thiếu nhân sự song việc lấp đầy những công việc ít hấp dẫn càng trở nên khó khăn hơn.
Việc làm trong chuỗi cung ứng thực phẩm chắc chắn khó có thể lấp đầy dù đó là công việc hái dâu tây đau cả lưng, hay lò giết mổ không an toàn hay môi trường áp lực cao, nhịp độ nhanh tại các căn bếp nhà hàng. 
Trong bối cảnh thị trường có nhiều việc làm hơn, những lao động Australia đáng lẽ trước đây có thể ổn định vị trí tại các nhà máy chế biến thịt ở các khu vực dân cư thưa thớt nay có thể chọn làm việc ở các thị trấn sầm uất hơn. Nhiều công dân EU thường đến Anh để làm việc trong các trang trại, vận chuyển hàng hóa hoặc phục vụ trong các quán cà phê cũng đang chọn ở lại quê hương hoặc lục địa của họ. Những người lao động Mỹ từng phải vật lộn với cái nóng oi ả trên đồng ruộng giờ có thể chọn công việc ở một cửa hàng mát mẻ thay thế.
Jon DeVaney, chủ tịch Hiệp hội Cây ăn quả bang Washington, thừa nhận rằng những công việc như hái trái cây đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và sức lực.
“Đó là một công việc thiên về thể lực. Bạn hái trái cây và phải mang nó lên, xuống thang. Vì vậy, nếu bạn có phương án thay thế là công việc nhấn nút trên máy tính tiền thì rõ ràng nó hấp dẫn hơn nhiều”, ông nói.
Mức lương và lợi ích cao hơn càng khiến công việc mới trở nên hấp dẫn hơn. Chipotle Mexican Grill gần đây đã tăng giá trên thực đơn tại Mỹ tới 4% sau khi tăng lương trung bình lên 15 USD một giờ.Ở Canada, công ty này lại trả tiền thưởng cho người giới thiệu ứng viên. Còn các công nhân ở nhà máy chế biến thịt lợn của Smithfield Foods ở South Dakota sẽ nhận được các phần thưởng như Apple Watch hoặc iPad sau khi họ hoàn thành 60 ngày làm việc đầu tiên.
Tại châu Âu, giám đốc điều hành Daniele di Martino cho biết chuỗi cửa hàng pizza Rossopomodoro buộc phải tăng mức lương cơ sở 50% ở London.
Nhưng thường tiền là không đủ. Theo Sunny Verghese, CEO của tập đoàn kinh doanh nông sản Olam International, công nhân cũng đang đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường biện pháp bảo vệ họ khỏi dịch bệnh.
Mặc dù các nhà máy đóng gói thịt đã có những bước tiến đáng kể trong quy trình an toàn dịch bệnh kể từ năm ngoái, song giờ đây họ đang phải chống lại biến thể Delta. Sự bùng phát của biến thể mới khiến lượng gia súc được chuyển tới các lò mổ của tập đoàn Tyson Foods giảm đáng kể.
“Chúng tôi đang trên một quỹ đạo phục hồi tốt và sau đó biến thể delta xuất hiện và chúng tôi lại bị thụt lùi. Bây giờ, về cơ bản là để hoàn thành được công việc của 5 ngày thì cần tới 6 ngày”, CEO Donnie King cho hay.
Tình trạng thiếu nhân công không xảy ra ở khắp mọi nơi và tác động cũng không đồng đều. Phần lớn châu Âu ở khu vực đất liền không rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng như Anh, nơi Brexit hạn chế dòng chảy lao động từ EU. Trung Quốc hầu như cũng không bị ảnh hưởng. Còn ở Ấn Độ, dù lạm phát vẫn là nỗi lo, song với nguồn lao động dồi dào nên nông nghiệp hầu như không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19.
Ở những nơi khác, lao động chỉ là một trong nhiều vấn đề đau đầu mà hệ sinh thái lương thực của thế giới phải đối mặt. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia, từ Brazil đến Pháp, đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch nông sản. Giá nông sản tăng mạnh đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi và sau đó là giá thịt lên cao. Chi phí vận tải ngất ngưởng do nhu cầu tăng vọt, thiếu container và quá tải ở các cảng. Tình hình càng tồi tệ hơn khi cảng Ninh Ba - Chu Sơn của Trung Quốc, cảng hàng hóa bận rộn thứ ba trên thế giới, phải tạm thời đóng cửa một phần.
Tóm lại, tình trạng thiếu nhân công có nguy cơ làm chi phí tăng thêm dù là vì tăng lương hay thiếu hụt nguồn cung. Và vấn đề này sẽ không biến mất khi đại dịch kết thúc. Bởi, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm trong nhiều thập kỷ qua khi dân số di cư lên các thành phố và chuyển sang lĩnh vực dịch vụ. Chưa kể, việc tuyển dụng cho một số công việc đã gặp khó khăn từ rất lâu trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Muốn thị trường lao động có những thay đổi mang tính dài hạn hơn đòi hỏi phải có các giải pháp công nghệ. Vì vậy, đầu tư vào tự động hóa và robot có xu hướng tăng tốc trong thời kỳ đại dịch.

gia-thuc-pham-7-png-7385-1630731860.png

Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: Bloomberg.
Ở Mỹ, máy kéo tự động, robot vắt sữa và các loại máy móc như máy trồng cà rốt đang thay thế sức lao động của con người. Nông dân ở Anh đang thử nghiệm robot để hái dâu tây, rau diếp hoặc bông cải xanh. Theo Edimilson Calegari, tổng giám đốc của hợp tác xã Cooabriel, các công cụ thu hoạch đã giúp nông dân trồng cà phê robusta của Brazil giảm phụ thuộc vào lao động thủ công, theo đó số lao động thủ công giảm xuống còn bằng 1/5 con số cần thiết của vài năm trước. Ông cho biết công nghệ đã giúp giảm bớt tác động của tình trạng thiếu hụt lao động trong công tác thu hoạch nông sản.
Theo Cindy van Rijswick, chuyên gia phân tích cấp cao tại Rabobank, sẽ mất nhiều năm để nông dân có thể thực sự sử dụng robot. “Cuối cùng, giá thực phẩm phải tăng lên để bù đắp cho người lao động và để tìm ra giải pháp. Tất cả đều tốn tiền và chúng ta cần sẵn sàng chi trả khoản đó”.

Nguồn: ndh.vn