Trong câu chuyện về cách mà thế giới hiện đại được xây dựng, “gã khổng lồ” ngành cơ giới Toyota đã nổi lên là người dẫn đầu cho một bước tiến vượt bậc về hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã tiên phong áp dụng một khái niệm mới trong sản xuất, đó là: "Đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết" (Just in Time). Các bộ phận cấu tạo của sản phẩm sẽ được chuyển đến các nhà máy theo đúng yêu cầu, giảm thiểu nhu cầu tích trữ.
*Sự phát triển của “Just in Time”
Suốt nửa thế kỷ vừa qua, cách tiếp cận này đã thu hút doanh nghiệp toàn cầu trong mọi ngành công nghiệp, vượt ra khỏi phạm vi lĩnh vực sản xuất ô tô.
Từ thời trang cho đến chế biến thực phẩm, dược phẩm, các công ty khác nhau đều đã tận dụng tối đa khái niệm "Just in Time" để đạt sự linh hoạt, có khả năng dễ dàng thích ứng với nhu cầu thay đổi của thị trường, đồng thời cắt giảm chi phí dư thừa.
Tuy nhiên, những xáo động trong năm vừa qua đã thách thức khả năng cắt giảm hàng tồn kho của các công ty, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại rằng một số ngành công nghiệp đã đi quá xa trong việc triển khai "Just in Time", khiến cho các công ty này rất dễ bị gián đoạn sản xuất.
Đại dịch COVID-19 đã cản trở hoạt động của các nhà máy và gây ra sự đình trệ trong hệ thống vận chuyển hàng hóa toàn cầu, khiến rất nhiều nền kinh tế trên thế giới lâm vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên diện rộng, từ hàng điện tử cho tới nội thất, quần áo…
Willy C.Shih, chuyên gia thương mại quốc tế tại Trường Kinh doanh Harvard (thuộc Đại học Harvard), nhận xét: "Khái niệm này giống như chuỗi cung ứng điều hành. Trong một cuộc đua để đạt được chi phí thấp nhất, các công ty đồng thời cũng đã tập trung rủi ro của mình vào cùng một chỗ".
Biểu hiện nổi bật nhất minh chứng cho chuỗi hoạt động sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào khái niệm "Just in Time" được tìm thấy trong chính ngành công nghiệp đã phát minh ra nó. Các nhà sản xuất ô tô thế giới đã bị tê liệt do thiếu linh kiện chip máy tính, bộ phận rất quan trọng trong cấu tạo của một chiếc ô tô.
Những chiếc linh kiện này thường được sản xuất ở châu Á. Thiếu hụt chip, các nhà máy ô tô từ Ấn Độ tới Mỹ hay Brazil đều buộc phải tạm ngừng dây chuyền lắp ráp.
Có thể thấy phạm vi và sự tồn tại kéo dài của tình trạng thiếu hụt hàng hóa đã làm rõ hơn mức độ thống trị đời sống thương mại của khái niệm "Just in Time".
Điều này giải thích lý do vì sao tập đoàn Nike và một số thương hiệu may mặc khác gặp nhiều khó khăn để có thể đảm bảo cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng bán lẻ. Đó là một trong những lý do khiến các công ty xây dựng gặp khó khăn khi đặt mua sơn và keo bả tường.
Đó cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân trong thời kỳ đầu của đại dịch, khiến các nhân viên y tế tuyến đầu không đủ đồ bảo hộ khi làm việc.
Thuật ngữ "Just in Time" giống như một cuộc cách mạng trong thế giới kinh doanh. Bằng cách giữ cho hàng tồn kho ít hơn, phần lớn các nhà bán lẻ có khả năng sử dụng tối đa diện tích của cửa hàng dành cho việc trưng bày hàng hóa. "Just in Time" còn cho phép các nhà máy tùy chỉnh sản phẩm của mình một cách dễ dàng hơn.
Và sản xuất tinh gọn đã giúp cắt giảm đáng kể chi phí, đồng thời cho phép các công ty nhanh chóng chuyển hướng sang các sản phẩm mới cải tiến hơn.
Lợi ích của "Just in Time" góp phần làm tăng giá trị cho các công ty, thúc đẩy sự sáng tạo và thương mại. Chắc chắn rằng trong dài hạn, sau khi cuộc khủng hoảng hiện tại lắng xuống, khái niệm này sẽ tiếp tục duy trì tác dụng của mình.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng làm dấy lên câu hỏi về việc liệu một số công ty có đang quá tích cực trong việc tiết giảm chi phí bằng cách cắt giảm tối đa hàng tồn kho, khiến bản thân các công ty này không có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho các rắc rối chắc chắn sẽ xuất hiện. William Lazonick, một nhà kinh tế học tại Đại học Massachusetts, cho biết: "Đó là những khoản đầu tư mà họ không lựa chọn thực hiện".

Container hàng hóa từ Trung Quốc và các nước khác được bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 16/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

* Hỗn loạn trong chuỗi cung ứng
Sự thiếu hụt trong nền kinh tế thế giới hiện nay cũng bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài khái niệm "tồn kho tinh gọn". Đại dịch COVID-19 lan rộng đã khiến các công nhân xếp dỡ ngoài cảng và các tài xế xe tải phải rời khỏi nơi làm việc, cản trở hoạt động xếp dỡ và phân phối hàng hóa mà sản xuất tại các nhà máy ở châu Á và được vận chuyển đến Bắc Mỹ hoặc châu Âu bằng đường biển.
Đại dịch cũng làm chậm lại hoạt động của các xưởng cưa xẻ gỗ, gây ra tình trạng thiếu gỗ công nghiệp, khiến việc xây dựng nhà ở tại Mỹ bị chậm trễ.
Trong khi đó, các cơn bão mùa Đông càn quét khu vực Bắc Mỹ, làm các nhà máy hóa dầu ở Vịnh Mexico phải đóng cửa, gây ra tình trạng thiếu hụt sản phẩm chủ lực. Andrew Romano, nhà điều hành bộ phận bán hàng tại công ty hóa chất Van Horn Metz & Company, đã quen với việc nói với các khách hàng rằng các đơn đặt hàng sẽ phải chờ đợi lâu hơn. Ông nói đây là điều bất khả kháng.
Ở một lĩnh vực khác, nhu cầu đối với thức ăn cho vật nuôi tăng mạnh đã khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm. Tại các kệ hàng siêu thị của Mỹ, sản phẩm ngũ cốc dành cho thú nuôi của thương hiệu Grape – Nuts đã gần như biến mất trong một khoảng thời gian.
Những tác động là hết sức rõ rệt, Một số công ty đã đặc biệt bị ảnh hưởng do các công ty này đang trong chế độ hoạt động tinh gọn ngay khi khủng hoảng bắt đầu xảy ra. Nhiều doanh nghiệp đã kết hợp việc áp dụng "tôn chỉ" Just in Time với sự phục thuộc vào các nhà cung ứng ở các quốc gia có mức chi phí tiền lương thấp như Trung Quốc và Ấn Độ.
Điều đó khiến cho bất kỳ một sự gián đoạn nào đối với quá trình vận chuyển toàn cầu cũng ngay lập tức trở thành rắc rối lớn. Chúng làm tăng thêm thiệt hại khi có sự cố xảy ra, chẳng hạn như khi con tàu container khổng lồ bị mắc kẹt trên kênh đào Suez trong năm nay, làm tuyến giao thông chính nối liền giữa châu Âu và châu Á bị đình trệ.
Chuyên gia Shih nhận định: "Mọi người đã đưa tâm lý tinh gọn vào mọi hoạt động và sau đó áp dụng chúng vào chuỗi cung ứng với niềm tin rằng chúng sẽ đem lại cho họ dịch vụ vận chuyển chi phí thấp và đáng tin cậy. Nhưng sau đó, họ đã gặp phải một cú sốc đối với chính hệ thống này".
* Hiệu ứng domino
Tại Conshohocken, bang Pennsylvania, ông Romano vẫn đang đợi các con tàu giao hàng chạy đến. Ông là Phó giám đốc kinh doanh của Van Horn Metz & Company, một công ty chuyên thu mua hóa chất từ các nhà cung cấp trên khắp thế giới và bán cho các nhà máy sản xuất sơn, mực in và các sản phẩm công nghiệp khác ở Mỹ.
Gần đây, công ty đã có thời điểm không thể hoàn thành 1/10 các đơn đặt hàng vì đang phải chờ nguồn cung cấp chuyển đến. Công ty không thể đảm bảo đủ nhựa chuyên dụng để bán cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Bản thân nhà cung cấp nhựa này của Mỹ cũng bị thiếu hụt một nguyên liệu quan trọng mà họ thường đặt mua từ một nhà máy hóa dầu ở Trung Quốc.
Một trong những khách hàng thường xuyên của ông Romano - một nhà sản xuất sơn công nghiệp - đã phải ngừng đặt hàng hóa chất vì họ không thể tìm thấy đủ các can kim loại mà họ sử dụng để vận chuyển thành phẩm của mình. Ông Romano nói: "Hiệu ứng domino đang xảy ra. Tất cả giống như một mớ hỗn độn".
Nhưng đại dịch không phải là lý do duy nhất gây ra những tác động tiêu cực mà "Just in Time" kết hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra. Trong suốt nhiều thập kỷ vừa qua, các chuyên gia đã liên tục lên tiếng cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra khi áp dụng quá mức khái niệm này.
Vào năm 1999, một trận động đất làm rung chuyển vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), làm đóng cửa nhà máy sản xuất chip máy tính cho một loạt thương hiệu điện tử nổi tiếng thế giới. Trận động đất và sóng thần xảy ra năm 2011 ở Nhật Bản khiến các nhà máy sản xuất bị đóng cửa và cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa, gây ra tình trạng thiếu hụt phụ tùng ô tô và chip máy tính. Lũ lụt ở Thái Lan trong cùng năm cũng làm suy giảm sản lượng ổ cứng máy tính toàn cầu.
Mỗi thảm họa đều nhắc nhở rằng các công ty cần tăng lượng hàng lưu kho và đa dạng hóa các nhà cung cấp. Nhưng sau mỗi lần như vậy, các công ty đa quốc gia vẫn tiếp tục quá trình cắt giảm chi phí bằng cách tinh gọn hoạt động.
Tuy nhiên, cũng chính các chuyên gia tư vấn hiện đang thúc đẩy những ưu điểm của "tồn kho tinh gọn" bằng cách "truyền bá" về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, một cụm từ rất phổ biến trong thời điểm hiện nay.
Richard Lebovitz, Chủ tịch của công ty LeanDNA, một nhà tư vấn chuỗi cung ứng có trụ sở tại Austin, bang Texas, cho biết nếu chỉ mở rộng kho lưu trữ có thể không mang lại giải pháp khắc phục. Ông nói: "Các dòng sản phẩm ngày càng nhanh bị điều chỉnh cải tiến. Khả năng dự đoán số lượng hàng tồn kho mà các công ty nên nắm giữ cũng ngày càng trở nên khó khăn hơn".
Cuối cùng, các doanh nghiệp có lẽ sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp tinh gọn vì một lý do đơn giản là nó mang lại lợi nhuận cho hoạt động của công ty. Ông Shih nói: "Câu hỏi thực sự là liệu chúng ta có ngừng theo đuổi mục tiêu chi phí thấp như là một tiêu chí duy nhất để đánh giá hoạt động kinh doanh hay không?" Chuyên gia của Đại học Harvard cho rằng điều đó là không đúng, vì "người tiêu dùng sẽ không trả tiền cho sự phục hồi khi họ không gặp khủng hoảng ".

Nguồn: Diệu Linh / BNEWS (TTXVN Tại Sydney)