Xung quanh việc xác định mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ), từ đó đề xuất mức lương tối thiểu (LTT) nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN, thành viên Tổ Kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Năm 2014, các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia có những “tranh luận nảy lửa” để đưa ra mức LTT áp dụng cho năm 2015. Mức LTT này thực sự chưa phải là mong muốn của tổ chức CĐ và NLĐ. Xin ông cho biết tác động của mức LTT năm 2015 theo Nghị định 103/2014 đến DN và NLĐ?
- Theo báo cáo của các cấp CĐ, năm 2015, có 85-90% số DN (có CĐCS) thuộc diện phải điều chỉnh đã thực hiện. Theo Nghị định 103/2014, tỉ lệ tăng LTT bình quân các vùng năm 2015 là 14,3% so với năm 2014, nhưng tỉ lệ tăng tiền lương thực tế tương ứng của NLĐ trong các DN chỉ khoảng 12% và việc tăng LTT không gây đột biến về chi phí cho DN.
Qua khảo sát của Tổng LĐLĐVN tại 60 DN cho thấy, các DN (nhất là các DN FDI có hạch toán từ Cty mẹ ở nước ngoài) đều cho rằng việc tăng mức LTT năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến SXKD và sẽ chấp hành nghiêm khi Nhà nước công bố mức LTT
năm 2016.
Với mức tăng như vậy, tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng của NLĐ và chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ (năm 2015 mới đáp ứng được 78-83%). Song NLĐ, nhất là ở các DN khu vực tư nhân và FDI được hưởng lợi khi điều chỉnh LTT vùng. Tiền lương cơ bản tăng giúp họ yên tâm làm việc, góp phần ổn định cuộc sống và tăng năng suất LĐ. Tiền lương theo hợp đồng tăng, đồng nghĩa với mức đóng BHXH tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ.
Tổng LĐLĐVN căn cứ vào những tiêu chí gì để đề xuất mức LTT áp dụng cho năm 2016, thưa ông?
- Nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ là căn cứ hết sức quan trọng trong việc xác định LTT vùng. Điều 91 của Bộ luật LĐ quy định, mức LTT vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, điều kiện KTXH và mức tiền lương trên thị trường LĐ.
Song, nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ hiện đang được nhiều cơ quan khác nhau xác định với số liệu khác nhau. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc thống nhất xác định mức LTT vùng hằng năm của các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Khi xây dựng phương án điều chỉnh LTT vùng năm 2016, Tổng LĐLĐVN nhất trí sử dụng phương pháp và số liệu xác định nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của NLĐ (có tính đến sự thay đổi thói quen tiêu dùng từng thời kỳ) mà bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia áp dụng.
Đây là phương pháp khoa học được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và là tiêu chí đầu tiên trong các tiêu chí xác định LTT theo khuyến nghị số 135 của ILO. Theo phương pháp này, nhu cầu sống tối thiểu bao gồm nhu cầu về lương thực, thực phẩm (đảm bảo 2.300 Kcalo/ngày); nhu cầu phi lương thực, thực phẩm của bản thân NLĐ và chi phí nuôi con (bằng 70% chi phí của NLĐ).
Tuy nhiên trong số liệu xác định nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ của bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia nêu trên, tiền thuê nhà được tính bình quân một người là 80.000 đồng/tháng. Mức tiền thuê nhà tính trong tiền lương nêu trên là rất thấp, không phản ánh đúng thực tế hiện nay, khoảng 600.000 - 800.000 đồng/gia đình/tháng.
Vậy thưa ông, khi đề xuất mức LTT vùng năm 2016, Tổng LĐLĐVN đã dựa trên những nguyên tắc nào?
- Mức điều chỉnh LTT vùng năm 2016 được thực hiện theo một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất, căn cứ vào quy định của pháp luật. Điều 91 của Bộ luật LĐ quy định, mức LTT vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; điều kiện KTXH và mức tiền lương trên thị trường LĐ. Thứ hai: Tăng thêm ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức LTT phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Và một căn cứ rất quan trọng là theo Điều 89, Luật BHXH 2014, từ 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về LĐ. Vì vậy, lộ trình tăng mức LTT phải tránh gây đột biến về chi phí của DN. Thứ ba, phải bù đủ trượt giá, dự kiến vào khoảng 5%/năm. Và cuối cùng là phải tăng theo mức tăng năng suất LĐ khoảng 3 -3,5%/năm để cải thiện tiền lương của NLĐ.
- Xin cảm ơn ông!
Gia đình công nhân đang phải chi nhiều tiền thuê nhà trọ
Chị Trần Bích Ngọc, làm việc tại KCX Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức, TPHCM): Thường các phòng trọ quanh các KCN, KCX sẽ có giá thuê cao hơn từ 100.000 - 200.000 đồng/phòng/tháng nhưng sẽ chật chội hơn các phòng trọ ở xa. Các CN độc thân, chịu khó rủ thêm vài ba người về ở chung với nhau, mỗi tháng chi từ 600.000 - 700.000 đồng tiền phòng trọ nhưng lại được ở gần Cty, sáng sớm đi bộ đi làm.
Còn những CN đã có gia đình, vợ chồng thêm con cái nữa thì không thể ở trong những căn phòng vừa chật chội, giá lại cao nên họ chọn phương án đi ra xa thuê phòng trọ. Như vợ chồng tôi làm ở KCX Linh Trung 1 thuộc P.Linh Trung (Q.Thủ Đức), nhưng phải thuê trọ ở P.Bình Chiểu, hơi xa một chút nhưng phòng rộng hơn, hơn 15m2, có gác, với giá thuê 1,4 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước là chấp nhận được. Để có thể thuê được căn phòng này, vợ chồng tôi đã phải tính toán rất kỹ.
Với mức lương cơ bản mà Cty đang áp dụng 3,4 triệu đồng/tháng, ngoài các khoảng phụ cấp, tăng ca, mỗi tháng vợ chồng thu nhập vào khoảng 10 triệu đồng. Chi phí gửi con đi nhà trẻ, đi học hết 3 triệu đồng/tháng, tiền nhà, điện nước, chi phí cho sinh hoạt hằng ngày mỗi tháng hết 2,5 triệu đồng, còn lại là tiền ăn, các chi phí khác của gia đình 4 người gói gọn trong 4,5 triệu đồng còn lại. Cầu trời chỉ mong đừng đau ốm chi thì mỗi tháng khéo co kéo cũng đủ. Lê Tuyết
Anh Lý Mạnh Dũng (CN Cty TOTO, KCN Bắc Thăng Long, TP.Hà Nội): Hiện tôi đang thuê trọ tại thôn Sáp Mai, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Phòng trọ tôi đang thuê có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 13m2. Một tháng tiền thuê nhà là 600.000 đồng, tính cả tiền điện, nước, tiền vệ sinh…, mỗi tháng, tôi phải trả tổng cộng là 800.000 đồng. Tôi đã lập gia đình, vợ tôi vừa mới sinh con, hiện vẫn đang ở quê.
Sắp tới, vợ con tôi lên đây, chắc tôi phải thuê phòng trọ khác rộng rãi hơn, chứ phòng chật thế này, cả gia đình không ở được. Nếu thuê phòng khác, tính ra giá phải từ 1 - 1,1 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền khá lớn so với thu nhập của vợ chồng chúng tôi. Thu nhập của cả vợ chồng tôi chỉ khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, trong khi tiền thuê nhà trọ đã chiếm một khoản khá lớn như vậy. Chúng tôi xót tiền lắm, nhưng cũng đành phải chấp nhận thôi.
Tất Thảo
Theo Linh Nguyên - Việt Lâm
Lao động