Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,5 tỷ USD năm 2021 (tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2020). Việt Nam xuất chủ yếu sang Malaysia điện thoại và linh kiện, dầu thô, gạo, cà phê, hải sản; nhập chủ yếu máy vi tính và sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, xăng dầu, hàng điện gia dụng và linh kiện, hoá chất. Hai tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Malaysia đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. 
Về đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), đứng thứ 10/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 668 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13 tỷ USD. Malaysia đã đầu tư vào 32/63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó đứng đầu là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Trà Vinh, Hà Nội và các địa phương khác. Việt Nam có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD, đứng thứ 9/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực Halal
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong buổi hội đàm sáng ngày 21/3, Thủ tướng của hai nước đã giao cho 2 bộ hiện thực hoá mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD vào năm 2025. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, đây không phải là mục tiêu xa vời so với tiềm năng hợp tác của 2 nước. 

undefined

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao kết quả hợp tác kinh tế của hai nước trong thời gian qua
Đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong kinh tế hai nước, tại buổi họp chiều 21/3, lãnh đạo 2 bộ khẳng định vẫn còn nhiều tiềm năng để hai nước cùng khai thác và phát triển, đặc biệt là trong sản xuất thực phẩm Halal.
“Hiện nay, tại Đông Nam Á có gần 1 tỷ người theo đạo hồi, chiếm 66% số người theo đạo Hồi trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm Halal ngày càng tăng do khách du lịch và người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ thực phẩm Việt Nam được chứng nhận Halal mới chỉ đạt 20%. Do đó, phía Việt Nam hy vọng Malaysia có thể giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành thực phẩm này, trước hết là để phục vụ cho nhu cầu của người dân trong khu vực.

undefined

Bộ trưởng Malaysia Mohamed Azmin Ali cho rằng hai bên có thể hợp tác để xây dựng hệ sinh thái Halal
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, người đồng cấp Malaysia - ông Mohamed Azmin Ali cho biết, thị trường thực phẩm Halal là một thị trường toàn cầu, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Năm 2018, ngành công nghiệp Halal toàn cầu có tổng trị giá khoảng 2.440 tỷ USD. Riêng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal chiếm 56% giá trị, tương đương với 1.369 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 1.972 tỷ USD vào năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,3%. Bộ trưởng Mohamed khẳng định, các doanh nghiệp của Malaysia cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết để giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với chứng nhận Halal hơn.
Ông Mohamed cũng lưu ý, Seagame 31 sắp tới được tổ chức tại Việt Nam sẽ tiếp đón nhiều khách du lịch có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm được chứng nhận Halal. Đây sẽ là cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia để xây dựng một hệ sinh thái Halal xứng với tiềm năng giữa hai nước.
Nối lại cơ chế hợp tác
Uỷ ban Hỗn hợp thương mại Việt Nam - Malaysia là một cơ chế hợp tác hiệu quả giữa 2 nước. Đây là dịp để 2 nước đánh giá quan hệ hợp tác trong thời gian qua và đề ra phương hướng hợp tác trong tương lai. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Uỷ ban đã không thể tổ chức họp như thường lệ. Với tư cách là đồng chủ tịch của Uỷ ban, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn nối lại cơ chế hợp tác này. Bộ trưởng cho rằng 2 bên cần sớm thống nhất nội dung chương trình và thúc đẩy các cuộc họp kỹ thuật để chuẩn bị cho cuộc họp chính thức của Uỷ ban.

undefined

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao tặng quà lưu niệm cho người đồng cấp Malaysia
Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Mohamed mong muốn cuộc họp thường niên Uỷ ban hỗn hợp sẽ được tổ chức “càng sớm càng tốt”. Bộ trưởng của Malaysia đề xuất sẽ bàn thảo về các phương pháp giải quyết giảm thiểu thâm hụt thương mại. Theo ông Mohamed, phía Malaysia đã nghiên cứu những sản phẩm mới tiềm năng của Việt Nam, có khả năng nhập khẩu vào nước này nhằm bù đắp thâm hụt thương mại.
Đáp lại đề nghị của Việt Nam về đưa nội dung hợp tác cung ứng xăng dầu vào chương trình nghị sự của Uỷ ban hỗn hợp trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới có nhiều bất ổn, ông Mohamed cho biết đã ngay lập tức liên lạc với Tổng công ty Xăng dầu Petrogas của nước này. Công ty này cho biết có thể cung ứng ngay lập tức 300.000 thùng dầu cho Việt Nam. Nếu Việt Nam có nhu cầu dầu lớn hơn, hai bên có thể tiếp tục đàm phán

Nguồn: congthuong.vn