Giữ đà tăng trưởng
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng 44% trong tháng 1 và 62% trong tháng 2, XK thuỷ sản tháng 3/2022 tăng trưởng chậm hơn nhưng doanh số vẫn cao hơn đáng kể so với 2 tháng đầu năm.
Tổng kim ngạch XK tôm trong quý I/2022 đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý I/2021
Tổng kim ngạch XK tôm trong quý I/2022 đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý I/2021
Theo đó, XK thuỷ sản tháng 3/2022 ước đạt 920 triệu USD, vẫn duy trì tăng trưởng 25%. Như vậy, quý I/2022, tổng XK thuỷ sản của cả nước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước bất chấp những khó khăn do xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn XK thuỷ sản sang thị trường này, đồng thời làm tăng các chi phí vận tải, nguyên vật liệu sản xuất chế biến, XK thuỷ sản.
Kết quả XK khả quan chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang đà hồi phục mạnh. 3 tháng đầu năm, XK cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản XK, đến nay chiếm 27% giá trị XK thuỷ sản.
Tiếp đến là mặt hàng tôm với tổng kim ngạch XK trong quý I/2022 đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý I/2021. Nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều cao cùng với giá XK trung bình tăng là những yếu tố giúp kim ngạch XK tôm vượt xa năm trước.
Về thị trường, XK thuỷ sản sang các thị trường chính trong tháng 3/2022 vẫn duy trì tăng trưởng cao. Trong đó XK sang Mỹ tăng 42%, sang Trung Quốc tăng 77%, sang EU tăng 37%, Hàn Quốc tăng 23%. Tuy nhiên, XK sang Nhật Bản chỉ tương đương so với tháng 3/2021.
VASEP nhận định, XK thuỷ sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị tác động bởi chiến sự Nga - Ukraine, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam lại tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng.
Dự báo XK thuỷ sản trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25%, đạt 934 triệu USD. Theo đó, XK các loại cá biển có thể giảm 15%, nhưng XK cá tra vẫn tăng 80% và tôm sẽ tăng 20%, cá ngừ tăng 18%, mực, bạch tuộc tăng 25%.
Giải quyết bài toán logistics - cải thiện năng lực cạnh tranh
Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là khu vực sản xuất thủy sản lớn nhất cả nước (chiếm 80% sản lượng cả nước) và phần lớn là XK. Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên hiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ - đánh giá, chưa xây dựng được thương hiệu và logistics đang là 2 mảng còn yếu của ngành thủy sản.
Trong thời gian qua, tại đồng bằng sông Cửu Long, với 10 hệ thống kho lạnh có quy mô lớn tập chung chủ yếu ở Long An, Hậu Giang và Cần Thơ cùng ngành dịch vụ được chuyên môn hóa đã giúp doanh nghiệp thủy sản yên tâm hơn trong sản xuất, giảm chi phí (so với việc doanh nghiệp tự đầu tư). Tuy nhiên, số lượng này mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa được ông Nguyễn Phương Lam nhắc tới đó là, hiện các doanh nghiệp XK thủy sản khu vực này phần lớn phải vận chuyển lên cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) và cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nếu có hệ thống cảng biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì việc kết nối sẽ tốt hơn và doanh nghiệp sẽ được cải thiện được chi phí.
Ngành logistics được dự báo là ngành hấp dẫn nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong 5-10 năm tới. Ông Nguyễn Phương Lam cũng khuyến nghị chính quyền các địa phương cần có chính sách đặc biệt cho ngành này. Bởi nếu không có hạ tầng tốt, các dịch vụ không đi kèm đồng bộ sẽ làm đội chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành thủy sản nói riêng.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP - cho hay, trong hoạt động logistics ngành thủy sản, 85% lượng hàng XK phụ thuộc vào cảng Cát Lái và cảng Thị Vải - Cái Mép. Trong khi đó, hàng thủy sản là hàng đông lạnh, cần phải được vận chuyển tức thì, rút ngắn thời gian càng nhiều càng tốt, ít chung chuyển để đảm bảo nhiệt độ của container. Do đó, các doanh nghiệp XK thủy sản rất mong muốn có được vị trí xếp hàng được thuận tiện hơn, giảm bớt chi phí và thời gian trong luân chuyển hàng hóa.
“Trong những năm qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ thiết lập cảng biển đủ tầm cỡ hoặc 1 cảng biển ở khu vực Cần Thơ để có thể tiếp cận được hàng hóa của 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trương Đình Hòe cho hay.
Theo VASEP, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác thuỷ sản vì giá xăng dầu tăng quá cao, nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ, thậm chí bán tàu bỏ nghề. Ngành chế biến hải sản vốn đã khó khăn về nguyên liệu lại càng thiếu hụt. Vì vậy, XK hải sản trong tháng 3/2022 chỉ giữ được mức tăng khiêm tốn dưới 3%, đạt 312 triệu USD. Tính chung, tổng kim ngạch XK hải sản trong quý I/2022 ước đạt 878 triệu USD, tăng 20%, nhờ tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm.
Thị trường XK hải sản sẽ còn khó khăn khi cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản sẽ áp dụng yêu cầu giấy chứng nhận thủy sản khai thác (Catch Certificate) cho 4 loài gồm: mực ống và mực nang (Squid anh Cuttle fish); cá thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.); cá thu (Mackerel, Scomber spp) và cá trích (Sardine, Sardinops spp) khi nhập khẩu vào Nhật Bản từ ngày 1/12/2022.
Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị VASEP thông báo đến toàn thể các doanh nghiệp thành viên để có những chuẩn bị kịp thời tránh làm ảnh hưởng, gián đoạn đến hoạt động XK hải sản sang thị trường Nhật Bản.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam. 2 tháng đầu năm 2022, XK thủy sản sang Nhật Bản đạt 210 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2021. Những quy định siết chặt từ thị trường nhập khẩu chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động XK của các doanh nghiệp.
Cùng với việc giải quyết bài toán thương hiệu, logistics tạo đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, trước mắt, về phía các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường, đáp ứng các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu gần 9 tỷ USD mà ngành đặt ra trong năm 2022 này.

Nguồn: congthuong.vn