Các địa phương phía Bắc hồi phục sản xuất giúp xuất khẩu duy trì tăng trưởng

Tương quan kim ngạch xuất nhập khẩu một số tỉnh, thành trọng điểm trong 2 tháng gần đây (đơn vị tỷ USD). Biểu đồ: T.Bình
Đạt gần 57 tỷ USD trong tháng 7
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận, tháng 7 kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 57 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với tháng trước (tháng 6/2021). Đáng chú ý, cả xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng dương. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam trong tháng qua và vẫn còn hết sức phức tạp. Đặc biệt khu vực này tập trung nhiều địa bàn trọng điểm kinh tế, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…

 

Xuất nhập khẩu tiến sát mốc 600 tỷ USD
Hết tháng 7, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 375 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 186,35 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ 2020; nhập khẩu đạt 188,76 tỷ USD, tăng 35,8%. Như vậy, hết tháng 7, nước ta nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD.
Với kim ngạch 375 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, bình quân đạt gần 53,6 tỷ USD/tháng.
Để cán mốc 600 tỷ USD trong năm nay, 5 tháng cuối năm cả nước phải đạt kim ngạch 225 tỷ USD, bình quân 45 tỷ USD/tháng. Điều này hoàn toàn khả thi nếu so sánh với kết quả những tháng đầu năm- giai đoạn cũng có dịch bệnh phức tạp và nhiều kỳ nghỉ dài ngày.

 

Cụ thể, về xuất khẩu, tháng 7 đạt 27,86, tăng 2,4% so với tháng 6/2021, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 20 tỷ USD, tăng 3,4%.
Tăng trưởng ấn tượng nhất là điện thoại các loại và linh kiện USD khi đạt 4,72 tỷ USD, tăng tới 43,4% (tương đương con số tăng thêm hơn 1,4 tỷ USD) so với tháng trước. Điều này cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của ngành hàng xuất khẩu lớn nhất này khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở phía Bắc, trong đó có các cứ điểm sản xuất điện thoại và linh kiện lớn nhất như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Ngoài ra, các ngành hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sắt thép cũng đạt được tăng trưởng đáng khích lệ. Trong đó, dệt may đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 1,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 2,9 tỷ USD, tăng 22,6%; sắt thép đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 16,8%.
Tuy nhiên, 3 nhóm hàng “tỷ USD” có kim ngạch giảm là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 10,9% (đạt gần 3,7 tỷ USD); giày dép giảm 29,6% (đạt gần 1,4 tỷ USD); gỗ và sản phẩm giảm 16,4% (đạt 1,33 tỷ USD).
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tháng 7 đạt 29,1 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Tăng trưởng mạnh ở nhập khẩu liên quan đến các mặt hàng nông sản như ngô, đậu tương…; hay nhóm nguyên liệu như xăng dầu, khí đốt, khí hóa lỏng…
Lực kéo ở đầu tàu kinh tế phía Bắc
Kết quả tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 7 đến từ sự hồi phục của một số nhóm hàng chủ lực và các đầu tàu kinh tế ở khu vực phía Bắc, nhất là Bắc Ninh, Bắc Giang. Tháng 7, xuất khẩu ở 2 địa bàn trọng điểm này đã tăng trưởng ấn tượng trở lại. Trong đó, Bắc Ninh đạt 3,53 tỷ USD, tăng tới 53,5% so với tháng 6/2021 (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 1 tỷ USD) và vượt TPHCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu trong tháng. Địa phương “hàng xóm” và có thời điểm dịch phức tạp tương tự là Bắc Giang đạt kim ngạch 944 triệu USD tăng vượt bậc đến 92,2% (tương đương kim ngạch tăng thêm 453 triệu USD).
Ngoài ra, các địa phương trọng điểm ở phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc… cũng có sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng với kim ngạch tăng thêm (so với tháng 6/2021) từ một trăm đến hàng trăm triệu USD.
Sự hồi phục nhanh chóng của các địa bàn trọng điểm kinh tế phía Bắc đã bù đắp được sự sụt giảm từ các tỉnh trọng điểm phía Nam để giúp hoạt động xuất khẩu duy trì tăng trưởng khá.
Mặt khác, kinh nghiệm phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất ở các địa phương này sẽ mang lại kinh nghiệm quý cho những địa phương ở phía Nam, dù điều kiện phát triển có những điểm khác nhau.
Bởi thực tế, tháng 7, xuất khẩu ở 3 trung tâm kinh tế lớn nhất ở phía Nam là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đều giảm. Cụ thể, TPHCM chỉ đạt 3 tỷ USD giảm khoảng 1,4 tỷ USD; Bình Dương đạt 2,95 tỷ USD giảm khoảng 350 triệu USD; Đồng Nai đạt 1,93 tỷ USD giảm hơn 200 triệu USD. Điều này cũng thể hiện rõ ở sự sụt giảm của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tập trung nhiều doanh nghiệp ở phía Nam. Điển hình như đỗ gỗ; giày dép, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 14,4%; giày dép giảm 29,6%.
Với tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp và toàn bộ các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội (từ tháng 7 và đầu tháng 8) khả năng tình hình xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam trong tháng 8 này chưa thể hồi phục và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn trông chờ vào đầu kéo ở các trung tâm kinh tế phía Bắc.

Nguồn: haiquanonline/Thái Bình