Tốn thêm 2,2 triệu đồng/container

"Không hiểu sao, Bộ Y tế lại bắt chúng tôi phải chờ thêm 2 ngày nữa để được nhận giấy phép đạt yêu cầu nhập khẩu? Với quy trình mới mà Bộ dự kiến, cứ một container thông quan là chúng tôi có nguy cơ phát sinh thêm 2,2 triệu đồng, anh Nguyễn Quang Hiến, chủ một công ty kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu phụ gia thực phẩm, than thở với PV. VietNamNet.

Công ty của anh Hiến chuyên nhập phụ gia Soya Lecithin từ Argentina qua cảng Hải Phòng về Việt Nam, trị giá hàng hoá mỗi container vào khoảng 20.000 USD.

Giải thích về khoản phát sinh trên, anh Hiến cho hay, nếu quy trình mới được áp dụng, ước tính thời gian lưu kho tại cảng sẽ tăng lên khoảng 5 ngày, kéo theo phí lưu kho lên tới 60 USD, tương đương gần 1,3 triệu đồng. Lãi ngân hàng phải trả cho lô hàng lên tới 600.000 đồng, cộng với lương cán bộ đi lại làm thủ tục 300.000 đồng.

Khó khăn này khởi nguồn từ dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu, do Bộ Y tế soạn thảo đang lấy ý kiến.

Anh Hiến phản ánh, trước đây, giấy phép "Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu" có thể được cấp ngay sau khi các trung tâm kiểm định thực hiện kiểm tra hàng hoá, như Quyết định 23 hiện hành, để đưa vào hồ sơ hoàn tất thủ tục thông quan. Nhưng theo dự thảo mới, kết quả này lại không cấp cho doanh nghiệp ngay mà chuyển ngược về Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai ngày sau, các cơ quan này mới "trả" cho doanh nghiệp.

"Điều mà chúng tôi không hiểu là, Cục hay Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm là cơ quan quản lý, không phải cơ quan chuyên môn về kiểm định, vậy giữ lại kết quả này trong vòng 2 ngày để làm gì?".

"Đây là một chính sách làm khó doanh nghiệp và chỉ làm giàu thêm cho các hãng vận tải nước ngoài", ông Hiến than thở.

"Với nhóm phụ gia thực phẩm, ước tổng số chuyển qua cảng biển là 500.000 container. Nếu mỗi container phát sinh thêm 2,2 triệu đồng thì con số mà doanh nghiệp phải chi trả do tác động của dự thảo Thông tư này lên tới 1.100 tỷ đồng", ông Hiến dự đoán.

Ngược chiều cải cách

Trên thực tế, câu chuyện trên chỉ là “chuyện thường ở huyện” trong đời sống kinh doanh hiện nay, đặc biệt với các lĩnh vực hàng hoá đòi hỏi phải kiểm dịch, kiểm định.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến thuỷ sản Việt Nam, kể, lĩnh vực thuỷ sản có hơn 10 văn bản quy phạm pháp luật với hàng chục quy định bất hợp lý, hạn chế doanh nghiệp.

Chẳng hạn, theo Thông tư 48 của Bộ NN-PTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm thuỷ sản xuất khẩu, thủ tục chứng nhận chỉ được tiếp nhận và xử lý tại cấp Cục, tập trung ở Hà Nội. Khâu này gây bức xúc nhất đối với DN, khiến xuất khẩu thuỷ sản bị ách tắc", ông Nam cho hay.

Hay, Thông tư 06 của Bộ NN-PTNT về thủ tục kiểm dịch còn bắt buộc các doanh nghiệp chưa ký hợp đồng, đã phải làm thủ tục đăng ký kiểm dịch, phát sinh chi phí "xin giấy phép".

Chưa hết, ngay cả Bộ KH-ĐT, cơ quan soạn thảo Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cũng đang mắc lỗi, khi đưa ra dự thảo Nghị định về đăng ký kinh doanh trái luật. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, chia sẻ, điểm mới được ca ngợi nhiều nhất là là bãi bỏ việc ghi ngành nghề kinh doanh, đơn giản thủ tục. Thế nhưng, dự thảo mới lại bắt các doanh nghiệp vẫn phải tự mình dò và áp mã đầy đủ mã ngành kinh tế. Nếu họ đăng ký mã sai, lại luỵ cán bộ, mất thêm chi phí.

Hay ông Nguyễn Đại, giám đốc một công ty tư vấn kiến trúc, than thở, không cần ghi cụ thể ngành nghề kinh doanh khi xin phép mở DN, nhưng nay muốn kinh doanh ngành nghề nào lại phải lên các Sở quản lý đăng ký... Nếu thế thì rắc rối, tốn kém gấp nhiều lần quy định hiện hành.

"Lần này, Chính phủ sửa một loạt luật như Kinh doanh BĐS, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Thuế... kèm theo đó là bao nhiêu nghị định, thông tư hướng dẫn mới ra đời. Doanh nghiệp không biết đằng nào mà lần", ông Đại lo lắng.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định, hiện có ít nhất gần 1.500 điều kiện kinh doanh trong tổng số 6.000 điều kiện, đang được quy định trái Luật, trái thẩm quyền.

Thống kê cho thấy, có 302 điều, khoản quy định tại 127 thông tư, thông tư liên bộ, quyết định của các bộ và Thủ tướng Chính phủ sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Toàn bộ những quy định về điều kiện kinh doanh được ban hành trái với thẩm quyền kể từ sau 1/7/2015 - ngày Luật Đầu tư có hiệu lực, cũng đương nhiên sẽ không còn hiệu lực.

Tháng 4, Chính phủ đã yêu cầu toàn bộ các bộ ngành rà soát tất cả các văn bản thuộc thẩm quyền của mình để loại bỏ các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Tuy nhiên, câu chuyện mà DN nhập khẩu thực phẩm kể trên minh chứng rằng, cuộc chiến cắt giấy phép con vẫn còn dài.

Theo Phạm Huyền
Vietnamnet

Nguồn: Vietnamnet