Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 8 tháng đầu năm 2015 cao hơn hơn 0,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, CPI có sự sụt giảm trong tháng 8 với mức 0,7% so với tháng trước.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định thay đổi tỷ giá chưa lan truyền ngay sang CPI trong tháng 8 bởi tỷ giá tác động đến CPI thông qua cơ chế lan truyền đến hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hai nhóm hàng hóa quan trọng là hàng hóa tiêu dùng trực tiếp và nguyên-nhiên-vật liệu nhập khẩu.
VND mất giá làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu, tác động trực tiếp đến CPI, và làm tăng chi phí đầu vào của những loại hàng hóa trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên-nhiên-vật liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam thì tỷ trọng phần nhiều là nguyên-nhiên-vật liệu nhập khẩu cho nên tác động lan truyền của tỷ giá chỉ được thể hiện ở những quí sau đó.
Tính trong cả năm 2015, BVSC đánh giá việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN sẽ không gây lên nhiều áp lực đối với lạm phát trong cả năm, trong bối cảnh lạm phát thực tế và kỳ vọng về lạm phát đang thấp ở Việt Nam.
Theo những nghiên cứu định lượng gần đây cho thấy thì cứ mỗi 1% mất giá trên danh nghĩa của của VND so với USD, thì trong quí thứ hai CPI sẽ tăng lên khoảng 0,22%. Với mức mất giá 3,1% của tiền đồng trong tháng 8 có thể làm CPI của quí IV tăng thêm khoảng 0,7%.
Như vậy, so với mức lạm phát theo dự báo của Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) cho cả năm 2015 là 2,5% thì CPI của quí IV tăng lên do quyết định phá giá chỉ làm lạm phát cả năm tăng lên khoảng 0,2% (0,7%/4). Hệ quả là lạm phát theo CPI của cả năm 2015 có thể đạt mức 2,7%, vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát 4,1% trong năm 2014.
Đức Anh
Theo BVSC