Thực tế này không phải là ngoại lệ của Việt Nam mà là bức tranh chung, phản ánh rất trung thực một xu thế phát triển được ghi nhận trên toàn cầu. Trước những thách thức trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giai đoạn 2020-2021, Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến trong hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng, cũng như mô hình kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp trong cả nước.
TIẾP TỤC NHỮNG BỨT PHÁ MẠNH MẼ
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới. Nhận định này một lần nữa được nhấn mạnh trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố. Dẫn nguồn báo cáo thống kê từ eMaketer.com, Sách trắng so sánh: nếu như năm 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu đạt 4.280 USD thì năm 2021, con số này sẽ ở mức 4.891 tỷ USD và năm 2022 sẽ lên mốc 5.424 tỷ USD. Vào năm 2023, mức doanh thu sẽ đạt 5.908 tỷ USD và năm 2024 là 6.388 tỷ USD.

Nếu năm 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu đạt 4.280 USD thì năm 2021, con số này sẽ ở mức 4.891 tỷ USD và năm 2022 sẽ lên mốc 5.424 tỷ USD. Vào năm 2023, mức doanh thu sẽ đạt 5.908 tỷ USD và năm 2024 là 6.388 tỷ USD.

Trung Quốc là một trong số các quốc gia có mức tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử B2C lớn, dự báo sẽ đạt 3.565 tỷ USD vào năm 2024. Con số này năm 2020 là 2.297 tỷ USD và năm 2021 sẽ là 2.779 tỷ USD.
Trong khi đó ở Hoa Kỳ, mức doanh thu thương mại điện tử B2C vào năm 2024 chỉ khoảng 1.204 tỷ USD. Năm 2020, mức doanh thu này đạt 794 tỷ USD và năm 2021 tăng lên 843 tỷ USD.
Khu vực Đông Nam Á, cũng được nhìn nhận sẽ có những bứt phá tăng trưởng về doanh thu và quy mô thị trường. Báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á năm 2020 của Google, Temasek và Bain&Company dự báo đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử khu vực sẽ cán mốc 172 tỷ USD. Con số này năm 2020 là 62 tỷ USD và năm 2019 là 38 tỷ USD.
Một số nước như Indonesia và Thái Lan, Phillipines được dự báo có mức doanh thu thương mại điện tử tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới. Năm 2020, mức doanh thu ở Indonesia là 32 tỷ USD và Thái Lan là 9 tỷ USD nhưng tới năm 2025, con số này sẽ đạt mức 83 tỷ USD và 24 tỷ USD.
Dịch bệnh Covid-19 đã tạo cú huých mạnh tới phát triển thương mại điện tử toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á năm 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, số lượng người truy cập internet tăng mạnh từ 250 triệu vào năm 2015 lên 360 triệu vào năm 2019 và đạt mốc 400 triệu vào năm 2020.
Báo cáo cũng dẫn chứng về tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 41%). So sánh với tỷ lệ này trung bình ở Đông Nam Á khoảng 36%, Indonesia và Phillipines cùng 37%, Malaysia là 36%, Singgapore và Thái Lan cùng 30%.
Nếu như trước khi có dịch bệnh Covid-19, trung bình mỗi ngày, người dùng dành 3,7 giờ cho mua sắm trực tuyến thì trong giai đoạn Covid, con số này tăng lên 4,7 giờ và ở giai đoạn sau xuống còn 4,2 giờ.
Những mặt hàng dịch vụ được nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến mới lựa chọn nhiều nhất là giáo dục (55%), tiếp đó là thực phẩm, dịch vụ cho vay, video và dịch vụ giao thức ăn…
DOANH THU THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM CÁN MỐC GẦN 12 TỶ USD
Ở Việt Nam, theo Sách trắng Thương mại điện tử 2021, doanh thu thương mại điện điện tử B2C cũng liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2016, con số này mới chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.
Báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á của Google dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 34% so với năm 2020.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.

Doanh thu thương mại điện điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016, đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

 
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm 2020 khoảng 49,3 triệu người với giá trị mua sắm mỗi người trung bình khoảng 240 USD. Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến năm 2020 ở Việt Nam chiếm 88%, trong khi đó năm 2019 là 77%.
Các hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua online nhiều nhất là thực phẩm (52%); quần áo, giày dép, mỹ phẩm (43%); thiết bị đồ dùng gia đình (33%)…
Trong số các kênh mua sắm online, website thương mại điện tử và các sàn giao dịch thương mại điện tử năm qua đã có mức tăng vượt bâc với tỷ lệ người mua tăng vọt từ mức 52% lên 74%. Trong khi đó, tỷ lệ người mua hàng trên các kênh diễn đàn, mạng xã hội và các ứng dụng di động lại giảm so với năm trước.
Việc thanh toán mua sắm online chủ yếu vẫn qua hình thức tiền mặt khi nhận hàng (COD) nhưng năm nay tỷ lệ này đã giảm từ 86% xuống còn 78%. Đặc biệt, báo cáo ghi nhận tỷ lệ thanh toán qua ví điện tử và thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ cào đã tăng hơn so với năm trước (mặc dù mức độ vẫn còn thấp).
Ngoài ra, giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người dùng trong năm cũng tăng cao hơn so với năm trước. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid, có khoảng 57% số người tiêu dùng cho biết đã đặt hàng trên mạng nhiều hơn năm trước.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là theo kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng trực tuyến, chỉ số tỷ lệ không hài lòng của người dùng trong năm qua lại tăng cao hơn (7%) so với năm trước (2%) và tỷ lệ người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến giảm 1% so với năm trước.
Những trở ngại chính khi mua sắm trực truyến được người dùng nêu ra đó là vấn đề giá; chất lượng kém so với quảng cáo và lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ…

Nguồn: Nhĩ Anh / VnEconomy