Tính chung 9 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua (GDP 9 tháng năm 2010 đạt 6,52%).

Trong mức tăng 6,5% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,17%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 7,89% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung do sản lượng gỗ khai thác tăng cao ở mức 11,8%; ngành thủy sản tăng 2,11%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm. 

Riêng ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,77%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết không thuận, giá cả một số vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp không ổn định và có xu hướng tăng nên sản lượng lúa đạt thấp.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ của một số năm gần đây. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao với 10,15% , góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung (đóng góp 1,58 điểm phần trăm); ngành khai khoáng tăng 8,15%. Ngành xây dựng 9 tháng tăng 9%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Trong khu vực dịch vụ, một số ngành dịch vụ kinh doanh có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm trước: Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa vật phẩm tiêu dùng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động kinh doanh bất động sản có cải thiện hơn...

Các ngành dịch vụ không kinh doanh có mức tăng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2014 do cơ bản ổn định biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, giá dịch vụ y tế, giáo dục không điều chỉnh trên diện rộng...

Trước đó, trong cuộc họp báo công bố chỉ số giá tiêu dùng, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng tăng trưởng năm 2015 sẽ rất khả quan, nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra. 

Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định qua 9 tháng, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu rất khởi sắc. CPI tăng thấp là điều kiện cho ổn định sản xuất kinh doanh phát triển. CPI tăng thấp năm nay có nguyên nhân do giá xăng dầu giảm, chi phí đầu vào của các ngành giảm mạnh, giá thành giảm. Đây là một trong những yếu tố tốt làm GDP tăng trưởng.

Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo gần đây cũng dự báo tăng trưởng năm 2015 có thể đạt 6,4%. 

Trong khi các số liệu về sản xuất công nghiệp, thu hút FDI, lạm phát có thể làm tạm “yên lòng” thì số liệu xuất nhập khẩu lại cho thấy một bức tranh khác. Tại buổi giao ban kinh tế 9 tháng gần đây tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) bày tỏ lo ngại khi xuất khẩu 9 tháng qua chỉ tăng ở khối doanh nghiệp FDI trong khi các doanh nghiệp 100% vốn trong nước giảm. Điều này thể hiện xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn rất khó khăn và chưa cải thiện. 

Bình luận về kinh tế 9 tháng, GS Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế quốc dân dù tỏ ra tin tưởng GDP năm 2015 có thể đạt được 6,5% nhưng nhà nghiên cứu này cũng ví von: Tăng trưởng Việt Nam như đoàn tàu đang đi nhanh song nghiêng. Hiện nay, đoàn tàu ấy đang nghiêng về khu vực FDI. XK của khu vực FDI tăng nhanh hơn nhiều khu vực trong nước. Những số liệu được công bố cho thấy tăng trưởng Việt Nam đang dựa vào FDI. 

Phạm Hà Nam