Trung Quốc tăng giá bán lẻ xăng và dầu diesel từ ngày 19/9
Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc (NDRC) ngày 18/9 cho biết Bắc Kinh sẽ tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng và dầu diesel bắt đầu từ ngày 19/9.
Theo NDRC, căn cứ vào biến động giá dầu quốc tế thời gian gần đây, giá bán lẻ mặt hàng xăng và dầu diesel tại Trung Quốc sẽ được tăng 125 nhân dân tệ (NDT, khoảng 17,7 USD)/tấn.
Nguồn cung giảm mạnh, Bắc Kinh đầu tư gần 120 triệu USD vào chăn nuôi lợn
Ngày 19/9, Cơ quan Tài chính thành phố Bắc Kinh cho biết thành phố có kế hoạch đầu tư 850 triệu nhân dân tệ (NDT) tương đương 119,82 triệu USD vào ngành chăn nuôi lợn trong vòng ba năm tới.
Theo đó, khoản đầu tư trên sẽ tập trung vào việc nâng cấp và xây dựng lại các trang trại nuôi lợn.
Các cuộc tấn công nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia có tác động thế nào đến kinh tế Mỹ?
Theo bài viết đăng trên Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia không tác động trực tiếp nhiều tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những cuộc tấn công này có thể khiến giá xăng tăng cao hơn và làm gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kể từ đầu những năm 2000, các công ty năng lượng của Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất bằng cách sử dụng các kỹ thuật khoan mới, chẳng hạn như công nghệ thủy lực. Sản lượng dầu đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ năm 2008-2018 và Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và đứng thứ hai là Saudi Arabia.
OECD: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm nhất kể từ khủng hoảng 2008
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 19/9 cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang đang gây bất lợi tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu, trong đó kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong bản cập nhật dự báo kinh tế OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 từ mức 3,2% xuống 2,9% và cho năm 2020 từ mức 3,4% xuống còn 3%.
Hạn chót cho Chính phủ Anh xoay chuyển tình thế
Ngày 19/9, một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết thời gian để Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được một thỏa thuận Brexit - chỉ việc Anh rời EU- đang cạn dần và sẽ là quá muộn để các lãnh đạo EU thống nhất một thỏa thuận tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Brussels vào giữa tháng 10 tới.
Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne tại Paris hôm 18/9.
Liên hợp quốc sẽ điều tra vụ tấn công cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia
Nguồn tin ngoại giao cho biết, các chuyên gia Liên hợp quốc sẽ tới Saudi Arabia để điều tra quốc tế đối với các vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu hồi cuối tuần trước.
Các chuyên gia Liên hợp quốc đã được phái cử theo khuôn khổ của một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran và một nghị quyết khác về cấm vận vũ khí đối với Yemen.
Fed chi nhánh New York tiếp tục bơm tiền vào các thị trường tài chính Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York đã bơm tiền vào các thị trường tài chính Mỹ ngày thứ hai liên tiếp nhằm giữ lãi suất ngắn hạn nằm trong phạm vi mục tiêu của Fed.
Động thái can thiệp khẩn cấp vào thị trường tiền nói trên được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt tiền mặt đã đẩy lãi suất tăng lên. Sự thiếu hụt này đe dọa khả năng kiếm soát của Fed đối với một công cụ quan trọng mà ngân hàng này dùng để đưa chính sách tiền tệ của mình vào nền kinh tế, vì khoảng lãi suất mục tiêu của Fed góp phần ấn định mọi loại lãi suất cho vay, như các khoản vay thế chấp và vay mua ô tô.
Nước Anh vẫn giữ vị thế trung tâm ngoại tệ và phái sinh lãi suất lớn nhất thế giới
Nước Anh hiện nay thậm chí còn nắm giữ thị phần lớn nhất trong hoạt động kinh doanh thị trường phái sinh dùng đồng euro làm quy chuẩn, chiếm tới 86% hoạt động mua bán dù EU đã nhiều lần cảnh báo các hoạt động mua bán trên thị trường phái sinh lấy đồng euro quy chuẩn phải được thực hiện trong EU nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra.
Tổng thống Trump: Trung Quốc nên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước bầu cử
Tổng thống Donald Trump cho biết, chính quyền của ông có thể ký kết một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, hoặc có thể phải đợi đến sau bầu cử.
Ông cũng cảnh báo Trung Quốc rằng nếu hai bên đạt thỏa thuận thương mại sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, các điều khoản thỏa thuận khi đó sẽ "tồi tệ hơn rất nhiều" cho Bắc Kinh.
Hàn Quốc chính thức loại Nhật Bản khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy
Bộ Năng lượng, công nghiệp và thương mại Hàn Quốc thông báo đã chính thức loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các quốc gia là đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul.
Trong một động thái trả đũa, Bộ Năng lượng, công nghiệp và thương mại Hàn Quốc thông báo đã chính thức loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các quốc gia là đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul, đồng thời cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 18/9.
ECB: Tăng trưởng kinh tế có thể bị tổn hại khi giá dầu tăng kéo dài
ECB cho rằng giá dầu đang tăng thêm bất ổn kinh tế mới ngoài những bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Ngày 17/9, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đồng thời là Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cảnh báo tăng trưởng kinh tế có thể bị tổn hại và lạm phát có thể tăng nếu hiện tượng giá dầu tăng vọt hiện nay không phải chỉ là tạm thời.
Brexit không thỏa thuận - Thách thức lớn cho ngân sách châu Âu
Theo nhận định của tờ Le Monde (Pháp), kịch bản Brexit không thỏa thuận nếu xảy ra thì sẽ là cái giá quá đắt đối với châu Âu và quá nguy hiểm đối với Anh.
Tờ báo Pháp nhận định vấn đề đóng góp ngân sách năm 2019 của EU đã được tính đến. Nếu Anh rời EU vào cuối tháng Mười tới, về mặt lý thuyết, sẽ còn hai tháng cần bổ sung ngân sách, tương đương với khoảng 3 tỷ euro trong tổng số 17,6 tỷ đóng góp hàng năm của Anh (14,3 tỷ euro được lấy từ các khoản thu thuế quốc gia và 3,3 tỷ euro từ thuế đánh vào hàng nhập khẩu).
BoK lo ngại đà tăng trưởng chậm của kinh tế Hàn Quốc
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã công bố biên bản cuộc họp ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng, trong đó bày tỏ lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế quốc gia.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 17/9 công bố biên bản cuộc họp ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng, diễn ra ngày 30/8, trong đó một số thành viên bày tỏ lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế quốc gia.
Các khách hàng của Saudi Arabia vẫn đứng vững nhờ các nguồn cung thay thế
Sau vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia hồi cuối tuần qua, các nhà máy lọc dầu ở châu Á đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong khi các nhà sản xuất dầu thô ở Mỹ đang nỗ lực gia tăng xuất khẩu.
Giá dầu thô đã tăng gần 20% trong phiên giao dịch ngày 16/9, mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm, sau khi vụ tấn công ngày 14/9 đã khiến sản lượng tại các cơ sở lọc dầu ở Abqaiq và Khurais giảm tổng cộng 5,7 triệu thùng/ngày, tức một nửa sản lượng dầu thô của Saudi Arabia.
NBS: Kinh tế Trung Quốc đối mặt với sức ép suy giảm
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới công bố số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tám tháng tính từ đầu năm đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 8/2019, CPI đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và không đổi so với mức ghi nhận được trong tháng Bảy.
Về thành phần mặt hàng, giá thực phẩm và thuốc lá tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, quần áo tăng 1,6%, nhà ở tăng 1%, đồ dùng sinh hoạt và dịch vụ tăng 0,7%, văn hóa giáo dục và giải trí tăng 2,1%, chăm sóc sức khỏe tăng 2,3%, các đồ dùng và dịch vụ khác tăng 4,7%. Trong khi đó, giao thông và thông tin giảm 2,3%.
Lãnh đạo Anh và EU không đạt được kết quả cụ thể sau đàm phán
Tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên diễn tại Luxembourg, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã không đạt được bất kỳ bước đột phá nào, mặc dù trước đó Chính phủ Anh khẳng định đã có một cuộc gặp mang tính xây dựng với đại diện châu Âu.
Theo các nguồn tin, Anh vẫn không đề xuất được bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào đối với điều khoản "chốt chặn", vốn được coi là trở ngại chính để EU và Anh có thể đạt được thỏa thuận Brexit.
Saudi Arabia dự kiến khôi phục ít nhất 1/3 sản lượng bị mất sau vụ tấn công
Theo các chuyên gia, Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, dự kiến trong ngày 16/9 (theo giờ địa phương) sẽ khôi phục ít nhất 1/3 mức sản lượng dầu (khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày) bị mất do các cuộc tấn công vào hai cơ sở dầu lớn của nước này cuối tuần qua.
Các cuộc tấn công hôm 14/9 đã khiến hai nhà máy sản xuất dầu tại Abqaia và Khurais phải ngừng hoạt động, khiến sản lượng dầu của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Arabia Aramco giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương 50% sản lượng dầu của quốc gia Trung Đông này.
Hàn Quốc khiếu nại quyết định hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản lên WTO
Ngày 16/9, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, Hàn Quốc đã bắt đầu đưa vấn đề tranh cãi liên quan tới quyết định hạn chế xuất khẩu mới nhất của Nhật Bản lên tổ chức này, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia châu Á không ngừng gia tăng.
Theo các quy định của WTO, Hàn Quốc và Nhật Bản cần gặp nhau trong vòng 30 ngày và nếu các cuộc đàm phán thất bại, Hàn Quốc có thể yêu cầu một ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO đứng ra phán xử.
An ninh dầu mỏ đối mặt nguy cơ mới
Vụ máy bay không người lái tấn công cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia có thể làm tê liệt một phần sản lượng của quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này trong vài ngày hoặc vài tuần, đẩy giá dầu lên cao, và đặt an ninh dầu mỏ đối mặt nguy cơ mới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định ít khả năng vụ việc này dẫn tới một “cú sốc” thực sự trên các thị trường năng lượng cũng như đối với nền kinh tế thế giới.
Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm sút trong tháng 8
Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc ngày 16/9 công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 8 chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua và thấp hơn 0,4% so với mức được công bố hồi tháng 7.
Con số này thấp hơn kỳ vọng 5,2% vốn được các nhà phân tích dự đoán trong cuộc khảo sát trước đó của hãng Bloomberg. Ngoài ra, mức tăng doanh số bán lẻ cũng chỉ đạt 7,5%, giảm 0,1% so với tháng trước đó.
Doanh nghiệp châu Âu cảnh báo thảm họa với Brexit cứng
Thông điệp trên được Bussiness Europe - một trong những tổ chức vận động mạnh mẽ nhất của EU - đưa ra ngày 16/9 ngay trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Luxembourg, trong bối cảnh cả hai bên đang chịu sức ép lớn phải vượt qua nhiều rào cản khi chỉ còn gần 7 tuần nữa là tới thời điểm Anh rời EU theo đúng kế hoạch - 31/10 tới.
Nguồn: VITIC tổng hợp