Chi tiêu chính phủ, áp lực lạm phát có thể giữ lãi suất ở mức cao
Dù giảm nhiều đến đâu vào năm 2024, định giá trên thị trường tiền tệ đều có chung quan điểm rằng thập kỷ lãi suất gần bằng 0 phổ biến sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khó có thể quay trở lại, trong khi áp lực lạm phát và chi tiêu chính phủ vẫn ở mức cao.
Điều đó có nguy cơ gây thêm tổn thất cho nhiều người vay ở khu vực công và khối tư nhân, những người đã vay với lãi suất thấp hơn trong quá khứ và vẫn chưa cảm nhận được toàn bộ tác động của đợt tăng lãi suất kỷ lục của các ngân hàng trung ương trong hai năm qua.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng còn quá sớm để tuyên bố FED đã đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Một số nhà đầu tư đang dự đoán một cuộc suy thoái trong năm tới, cảnh báo cần có thời gian để những tác động từ lãi suất tăng thấm vào nền kinh tế. Trong 11 chu kỳ tăng lãi suất của FED vừa qua, các cuộc suy thoái thường bắt đầu khoảng 2 năm sau khi ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất, theo Deutsche Bank chu kỳ này bắt đầu vào tháng 3/2022.
Một số khác cũng cảm thấy còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát. Các dự báo về lãi suất tương lai cho thấy, lãi suất của FED sẽ giảm hơn một điểm phần trăm vào cuối năm 2024. Nhưng liệu ngân hàng trung ương sẽ phải cắt giảm lãi suất vì suy thoái kinh tế hay liệu lãi suất giảm có thể ngăn chặn suy thoái hay không, vẫn còn là vấn đề tranh luận.
Trong những tuần gần đây, các nhà giao dịch đã đặt cược gấp đôi vào việc cắt giảm lãi suất mạnh vào năm tới, được khuyến khích bởi lạm phát chậm lại và sự thay đổi ôn hòa hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Kỳ vọng lãi suất sẽ giảm ít nhất 1,5 điểm phần trăm ở Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy thị trường trái phiếu và vốn cổ phần. Nhưng trong khi FED dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống khoảng 3,75% vào cuối năm 2024, thì trên thực tế có thể sẽ chỉ giảm xuống khoảng 3% vào cuối năm 2026, sau đó tăng trở lại khoảng 3,5%, theo định giá thị trường tiền tệ.
Điều đó hoàn toàn trái ngược với tỷ lệ duy trì ở mức gần 0 trong hầu hết thập kỷ qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và chỉ tăng dần lên 2,25% -2,50% vào năm 2018.
Lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu.(ECB) dự kiến sẽ ở mức khoảng 2% vào cuối năm 2026, từ mức 4% hiện nay, nhưng hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy mức lãi suất âm từng duy trì từ năm 2014 đến năm 2022, sẽ quay trở lại ở khu vực đồng Euro.
Mike Riddell - nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Allianz Global Investor, cho biết: “Đó chỉ là bình thường hóa chính sách và sẽ không đi vào chính sách tiền tệ một các dễ dàng”.
Nền kinh tế, người đi vay tổn thất nhiều hơn
Các nhà kinh tế cho biết, những kỳ vọng như vậy phù hợp với một kịch bản lãi suất trung lập, không kích thích cũng không làm chậm tăng trưởng kinh tế, đã tăng lên kể từ trước đại dịch Covid-19.
Nền kinh tế Mỹ cho đến nay vẫn tránh được một cuộc suy thoái khi đối mặt với việc thắt chặt chính sách mạnh mẽ, dường như cũng cho thấy lập luận đó là đúng.
Trụ sở ECB ở Frankfurt. ECB đã cảnh báo về khả năng lạm phát sẽ tăng trở lại vào tháng 12/2024 trước khi giảm dần xuống mục tiêu vào giữa năm 2025. Ảnh: Andreas Arnold/dpa
Rủi ro lạm phát cao hơn do căng thẳng địa chính trị, chính sách tài chính lỏng lẻo hơn và khả năng cải thiện năng suất từ công nghệ như AI là một trong những yếu tố có thể nâng lãi suất trung lập, thường được gọi là 'R-star'.
Một số khái niệm về lãi suất trung lập, mặc dù không thể xác định theo thời gian thực, nhưng lại là chìa khóa để hiểu tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và quyết định của ngân hàng trung ương về mức giảm lãi suất trong tương lai.
Việc đánh giá chính xác lãi suất thực tế lý thuyết - tỷ lệ cân bằng phù hợp với tăng trưởng tiềm năng và lạm phát ổn định, theo mục tiêu 2%, là rất khó khăn. Liệu tỷ lệ trung lập có thay đổi hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi và không phải ai cũng tin rằng nó đã tăng.
Điều quan trọng là kỳ vọng của thị trường cao hơn ước tính 2,5% của FED đối với lãi suất dài hạn, mặc dù một số nhà hoạch định chính sách đã đưa ra mức trên 3%.
Tại khu vực đồng Euro, các nhà hoạch định chính sách của ECB chỉ ra tỷ lệ trung lập khoảng 1,5% -2%.
Idanna Appio - cựu chuyên gia kinh tế của FED, hiện là nhà quản lý danh mục đầu tư tại First Eagle Investment Management cho biết: “Tôi nghi ngờ rằng có nhiều thay đổi trong R-star”.
Appio không hiểu tại sao thị trường lại định giá ở mức cao liên tục trong khi nhiều thước đo về kỳ vọng lạm phát cho thấy nó sẽ quay trở lại mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Việc định giá lãi suất sẽ hướng tới đâu trong những năm tới không phải là điều dễ dàng và thị trường có thể mắc sai lầm.
Tuy nhiên, kỳ vọng của nhà đầu tư khiến những người đi vay, những người đã quen và vẫn được hưởng lợi từ lãi suất thấp trong những năm gần đây, phải thận trọng.
“Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ cần tái cấp vốn ở mức hợp lý, đôi khi cao hơn đáng kể so với những gì họ đã có trong sổ sách trong 5 năm qua” - Patrick Saner, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Swiss Re cho biết. “Trong bối cảnh này, môi trường lãi suất cao hơn thực sự có ý nghĩa khá lớn, đặc biệt khi nói đến kế hoạch của doanh nghiệp”.
ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý II/2024
Theo đa số các nhà kinh tế được Financial Times thăm dò, lạm phát giảm có thể khiến ECB bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý II/2024. Kỳ vọng cắt giảm lãi suất đã tăng lên kể từ khi lạm phát ở khu vực đồng Euro giảm xuống còn 2,4% trong tháng 11, giảm so với mức đỉnh trên 10% một năm trước đó và chỉ cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của ECB.
Gần 60% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của FT dự đoán, lạm phát sẽ đạt ngưỡng 2% vào năm 2024, mặc dù một số người cho rằng lạm phát có thể sẽ tăng trở lại từ đó.
Fritzi Köhler-Geib - Kinh tế trưởng tại KfW cho biết: “Lạm phát có thể sớm giảm xuống dưới 2% trong quý II/2024. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian của năm, tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức trên 2% một chút”.
ECB đã cảnh báo về khả năng lạm phát sẽ tăng trở lại vào tháng 12/2024 trước khi giảm dần xuống mức mục tiêu vào giữa năm 2025. Isabel Schnabel - thành viên ban điều hành ECB, đã cho biết: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường phía trước và chúng ta sẽ xem chặng cuối khó khăn như thế nào”.
Hoàng Lê (theo Reuters/Financial Times)