GS, TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Loại tài nguyên không phải là vốn, lao động, mà là dữ liệu
Với kinh tế số sẽ có một loại tài nguyên không phải là vốn, lao động, mà là dữ liệu. Với dữ liệu, lần đầu tiên, nhân loại có được một đầu vào của quá trình sản xuất do con người tạo ra mà không phải dựa vào thiên nhiên. Đó chính là nguồn lực mới, tạo ra kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, kinh tế internet, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động cơ bản, qua đó sẽ đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cơ cấu nền kinh tế gia tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045” (Tổ chức Data61 - Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm hàng năm từ 0,38 đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số. Về năng suất lao động, tính cho cả giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể.
Như vậy, có thể thấy đóng góp của kinh tế số là khá quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động. Báo cáo nghiên cứu tác động của chuyển đổi số đến năng suất lao động của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy ở giai đoạn chuyển đổi số còn chậm mà đã tác động rất quan trọng giúp tăng 10% năng suất lao động.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông: Việc đầu tiên là phải đảm bảo hạ tầng số
Theo tính toán của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, quy mô nền kinh tế số ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh: kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành trong suốt 3 quý năm 2022. Trong đó, hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số), tiếp đến là thương mại điện tử (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%) và hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thông tin nội dung số (tăng gần 104% so với quý 1/2022).
Theo số liệu tạm tính, đóng góp của kinh tế số cho GDP quý 3/2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó: kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,15%; kinh tế số nền tảng ước tính đóng góp 2,84% và kinh tế số ngành ước tính đóng góp khoảng 4,28%.
Để có kinh tế số thì phải có thị trường số, phải có không gian số, dữ liệu số và việc đầu tiên là phải đảm bảo hạ tầng số. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của Bộ Thông tin và Truyền thông là phải bảo đảm hạ tầng số đến tận người dân. Để phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tổ cộng đồng hướng dẫn người dân về ứng dụng số, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo sử dụng điện thoại thông minh, hướng dẫn mua bán hàng hóa qua điện thoại thông minh… Để bảo đảm an toàn an trên không gian mạng, sắp tới 100% điện thoại thông minh sẽ được cài đặt ứng dụng bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế số có liên quan đến phát triển bền vững, Bộ đã triển khai để xem ảnh hưởng khi bị cắt đứt Internet quốc tế và cố gắng đảm bảo ít nhất 70 - 80% hoạt động kinh tế số khi có sự kiện nào đó khiến Internet quốc tế bị cắt đứt.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM): Để kinh tế số phát triển, internet phải tốt
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD. Đáng chú ý là thị trường thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng khá tích cực và được Chính phủ, cũng như các bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy, nhưng thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn khi có tới 86% các giao dịch điện tử vẫn được thanh toán bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, để kinh tế số phát triển cần hạ tầng công nghệ thông tin, Internet phải tốt. Vậy mà thời gian qua, có đến 5 đường cáp quốc tế thì 4 đường không kết nối được. Kết nối Internet chậm đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là những người kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện vẫn không thấy nhà mạng nào tính đến việc giảm phí.
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam: Lazada Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Trong những năm qua, Lazada Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bồi dưỡng nhân tài và hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương thông qua nhiều sáng kiến có ý nghĩa giúp bảo vệ môi trường. Với mong muốn góp phần hạn chế rác thải từ bao bì trong thương mại điện tử, Lazada Việt Nam đã phát hành cuốn Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm khuyến khích các thông lệ tốt, thân thiện với môi trường. Cuốn cẩm nang đưa ra những lời khuyên hữu ích để các nhà bán hàng thuộc mọi quy mô có thể đóng gói hàng hóa đúng quy chuẩn và hiệu quả nhằm tiết kiệm nguyên liệu đóng gói, giảm thiểu các rủi ro sai sót, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Ngoài ra, Lazada cũng thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh trong và sau đại dịch cùng hàng loạt các sáng kiến hướng tới phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như: hoạt động quản trị vì mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường; hoạt động cộng đồng; bồi dưỡng nguồn nhân lực và công tác nghiên cứu và báo cáo…
Đáng chú ý, trong năm 2023, Lazada Logistics sẽ đưa 100 chiếc xe máy điện đầu tiên vào giao hàng tại thị trường Việt Nam, góp phần giảm phát thải. Lazada còn hợp tác với các thương hiệu nhằm tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Xuân Thảo (ghi)