Theo số liệu của hải quan Trung Quốc công bố hôm 7/3/2022 cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2022 Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên, than và quặng sắt nhưng lại tăng nhập khẩu đồng.
Nguyên nhân xuất khẩu giảm do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào đầu tháng 2/2022. Nhập khẩu dầu thô trong hai tháng đầu năm 2022 giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn khoảng 10,53 triệu thùng/ngày do các nhà máy lọc dầu nhập khẩu ít hơn trong bối cảnh một số nước giảm sản lượng và giảm xuất khẩu.
Trung Quốc đã hạn chế một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và gây ô nhiễm trong mùa đông nhằm mục đích ổn định năng lượng và giữ không khí sạch trong Thế vận hội gần đây.
Hy vọng là những hạn chế này đang được nới lỏng, các nhà máy lọc dầu sẽ tăng sản lượng, đẩy mạnh xuất khẩu để tăng lợi nhuận. Điều này có thể giúp Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô trong tháng 3/2022. Tuy nhiên, từ tháng 4 trở đi thì khó khăn hơn, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đến thị trường hàng hóa.
Trung Quốc chưa chính thức lên án các hành động của Nga - Moscow gọi đây là một "hoạt động đặc biệt" - nhưng có khả năng thương mại hàng hóa giữa hai nước sẽ bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hệ thống tài chính của Nga và sự miễn cưỡng của các công ty vận tải, thương mại và bảo hiểm để giải quyết hàng hóa của Nga.
Theo công ty phân tích và dữ liệu Kpler, trong tháng 2/2022 Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 757.500 thùng/ngày dầu thô của Nga, giảm so với mức 954.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022.
Nga cung cấp khoảng 8% trong tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, và có lợi thế về mặt địa lý gần các cảng phía bắc của Trung Quốc, điều này làm giảm chi phí vận chuyển.
Trung Quốc có thể bù đắp cho bất kỳ tổn thất nào đối với hàng hóa của Nga bằng cách mua thêm từ các nhà cung cấp truyền thống của họ ở Trung Đông và từ Mỹ. Tuy nhiên, giá sẽ đắt hơn, đặc biệt là vì giá dầu thô đã tăng vọt kể từ cuộc xung đột của Nga, với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn chạm mức cao nhất trong 14 năm là 139,13 USD/thùng trong ngày 7/3/2022, trước khi kết thúc ở mức 123,21 USD.
Những điều mà các nhà lọc dầu Trung Quốc cố gắng làm trong những tháng tới sẽ có ý nghĩa đối với thị trường dầu thô. Nếu họ có thể và sẵn sàng tiếp tục nhập khẩu từ Nga, thì họ sẽ giảm nhập khẩu từ các nhà xuất khẩu khác để nhường cho những nước không còn nhập khẩu từ Nga.
Một vấn đề tiềm ẩn khác đối với Trung Quốc là nhập khẩu than giảm 14% trong hai tháng đầu năm xuống 35,39 triệu tấn, giảm so với mức 41,13 triệu tấn của cùng kỳ năm 2021. Sự sụt giảm phần lớn là do lệnh cấm xuất khẩu trong thời gian ngắn của Indonesia.
Indonesia là nhà cung cấp than đường biển hàng đầu của Trung Quốc và có khả năng nhập khẩu từ thị trường này sẽ trở lại mức bình thường hơn trong những tháng tới. Nga là nhà cung cấp than lớn thứ hai của Trung Quốc: Dữ liệu của Kpler cho thấy, trong năm 2021 Trung Quốc nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn than mỗi tháng, tuy nhiên tháng 2/2022 nhập khẩu giảm xuống còn 2,27 triệu tấn. Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc nhập khẩu hàng hóa từ Nga trong những tháng tới và họ có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ khối lượng, do lệnh cấm không chính thức liên tục của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu từ Australia, nước từng là nguồn nhập khẩu lớn thứ hai.
Nhập khẩu khí đốt tự nhiên và khí hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 19,86 triệu tấn, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2021, nguyên nhâm rất có thể là do giá thị trường giao ngay tăng trong mùa đông khiến Trung Quốc ngừng mua.
Nhiều khả năng hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc từ Nga sẽ tiếp tục không bị cản trở vì nước này không phải là một khách hàng quan trọng đối với khí LNG của Nga.
Tuy nhiên, giá dầu và khí LNG giao ngay tăng mạnh sẽ khiến nhiên liệu trở nên đắt đỏ đối với Trung Quốc, điều này cũng có thể hạn chế nhập khẩu trong những tháng tới.
Một loại hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2022 là đồng: nhập khẩu đồng chưa gia công tăng 9,7% lên 969.288 tấn, nhập khẩu quặng và tinh quặng tăng 10,2% lên 4,17 triệu tấn, có thể do vấn đề logistic đã được khắc phục vào đầu năm nay, hàng hóa bị tồn đọng từ cuối năm 2021 đã được xử lý. Nhưng điều đáng chú ý là các nhà máy ở Trung Quốc đã hoạt động sản xuất vào tháng 1 và tháng 2 làm tăng nhu cầu đồng.
Nhìn chung, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức do xung đột của Nga và Ukraine.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ không hài lòng với việc giá cả tăng vọt, họ có thể tìm cách giảm nhập khẩu bằng cách giải phóng lượng dự trữ chiến lược đối với các mặt hàng như dầu thô và kim loại. Họ cũng sẽ tìm cách tối đa hóa sản lượng trong nước, đặc biệt là than và đẩy nhanh việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo. Câu hỏi chính là liệu Trung Quốc có tiếp tục mua hàng của Nga, hay liệu điều này có trở nên quá khó khăn từ cả vấn đề logistic hay chính trị hay không.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters