Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, những tháng cuối năm 2021, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, nhiều địa phương đã thực hiện nới lỏng giãn cách và mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng, đặc biệt xăng dầu, than, giá vận chuyển... không những tăng, mà còn đang tăng rất cao, nên đã ảnh hưởng lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10.
Cụ thể, chỉ số CPI giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 1,67% so với tháng 12/2020, tăng 1,77% cùng kỳ. Tính chung bình quân năm 10 tháng đầu năm, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trong năm nay, việc kiểm soát CPI sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 2%, thậm chí dưới 2%.
Nhưng bước sang năm 2022, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, nền kinh tế thế giới và trong nước dự báo tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đạt được mục tiêu miễn dich cộng động, nhưng theo đó sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát. Việc tăng giá các mặt hàng xăng dầu, than, vận chuyển dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022 sẽ làm chi phí sản xuất, giá bán cao lên, lên ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hoá là thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước.
Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ ngành vào cuộc nhằm giảm áp lực việc tăng giá thành hàng hoá trên thế giới. Trong đó, Bộ Công Thương quan tâm sát sao đến hai mặt hàng là xăng dầu và giá điện.
"Thời gian qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước để hạn chế mức tăng giá trong nước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở đã tăng 59,08- 76,03%, tuy nhiên do sử dụng quỹ bình ổn nên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23%- 52,59%. Mặc dù đây vẫn là mức cao nhưng đã là sự cố gắng của liên bộ", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Đối với mặt hàng điện, theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2020- 2021 đã có 5 đợt giảm giá, với tổng số tiền được giảm là 16.650 tỷ đồng.
"Mặc dù quy định: Khi giá các mặt hàng đầu vào tăng có thể điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên chúng tôi thống nhất năm nay sẽ không tăng giá điện. Nhưng thời gian tới sẽ điều chỉnh như thế nào thì phụ thuộc vào tình hình thực tế trong nước và thế giới”, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Về phương hướng điều hành để kiểm soát thị trường trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần phải có một số giải pháp chính để kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho nhu cầu.
Thứ nhất, phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới, chúng ta có sự tham khảo kịp thời để đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt cần đánh giá nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn trong nước, để từ đó đưa ra được chính sách đối ứng cho phù hợp.
Thứ hai, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hoá, giảm áp lực lạm phát, cần có thông tin kịp thời rõ ràng, chính xác về các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.
Thứ ba, dự báo giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cần nỗ lực đàm phán để có được nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất, qua đó kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.