Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Quý III/2019 là quý thứ 10 liên tiếp GDP vượt mức tiềm năng. Dù vậy, tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm. Điều này đặt ra những cảnh báo về vấn đề cần củng cố chất lượng tăng trưởng.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10/2019 sản xuất nông nghiệp tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước và gieo trồng cây màu vụ đông ở phía Bắc. Mặc dù năng suất thu hoạch lúa tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng lúa ước tính năm nay sẽ giảm. Chăn nuôi bò và gia cầm phát triển tốt, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương được kiểm soát. Ngành thủy sản tiếp tục giữ đà tăng về sản lượng nuôi trồng và khai thác.
Sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8%, ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng10 và 10 tháng năm 2019 mặc dù đã được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm (1) và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt mức thấp so với các năm trong giai đoạn 2015-2019 (2). Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển với số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (3).
Trong 10 tháng năm 2019, tiến độ thu ngân sách Nhà nước duy trì ổn định, có 6/12 khoản thu nội địa so với dự toán đạt tiến độ khá, có 3/12 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (4) tiến độ vẫn chậm và thấp hơn mức bình quân chung; chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Mặc dù giá hàng hóa trong tháng có biến động tăng nhưng tình hình thị trường giữ ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm nên hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%), nhờ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng của người dân.
Giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung thịt lợn; điều chỉnh tăng giá xăng, dầu theo giá thế giới; điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục nhằm tiệm cận với giá thị trường là những yếu tố chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước, bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (5).
Hoạt động vận tải trong tháng 10 và 10 tháng năm 2019 tiếp tục duy trì mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ngành đường bộ và đường hàng không, do được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các địa phương và các hãng kinh doanh không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả linh hoạt.
Tháng 10/2019 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng năm 2019 đạt 14,5 triệu lượt người, trong đó khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Một số chỉ tiêu chủ yếu 10 tháng đầu năm 2019
(tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2018 (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp

+9,5

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+11,8

Tổng kim ngạch xuất khẩu

+7,4

Tổng kim ngạch nhập khẩu

+7,8

Khách quốc tế đến Việt Nam

+13,0

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước

+5,3

Chỉ số giá tiêu dùng

+2,48

Lạm phát cơ bản

+1,92

 

Ghi chú:
(1) Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng Mười so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 9,8%;9,5%; 9,4%; 9,6%; 9,8%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 10 tháng so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 82,5%; 75,0%; 71,7%; 70,3%; 69,2%.
(2) Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN tháng Mười so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 13,3%; năm 2016 là 20,5%; năm 2017 là 10,7%; năm 2018 là 16,9%; năm 2019 là 10%. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 10 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 8,7%; năm 2016 là 14%; năm 2017 là 7,1%; năm 2018 là 12,1%; năm 2019 là 5,3%.
(3) Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 11,8 tỷ USD; 12,7 tỷ USD; 14,2 tỷ USD; 15,1 tỷ USD; 16,2 tỷ USD.
(4) Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước.
(5) Tốc độ tăng CPI bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2017 là 3,71%; năm 2018 là 3,6% và năm 2019 là 2,48%.
Nguồn: VITIC  tổng hợp