Giới tài chính toàn cầu đã đi qua tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2024. Sau một năm 2023 tương đối thăng hoa, chứng khoán toàn cầu đã khởi đầu năm mới với khá nhiều biến động không thuận lợi.
Tại Mỹ, Phố Wall đã sụt giảm liên tiếp 3 phiên đầu tiên trong năm nay, trong khi các thị trường châu Âu cũng giảm điểm 3/4 phiên trong tuần này. Tình hình cũng không lạc quan hơn với các thị trường châu Á, khi phần lớn các chỉ số chính cũng không giữ được đà tăng ở các phiên giao dịch tuần này.
Giới tài chính toàn cầu đã đi qua tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2024. (Ảnh minh họa - Ảnh: AFP)
Năm 2023 là một năm khá thành công với các nhà đầu tư chứng khoán quốc tế. Như Mỹ, các chỉ số chính đều phá hoặc tiến sát mốc kỷ lục, hay thị trường Nhật Bản tăng trưởng tới 28%, nhưng thị trường lại đang không duy trì được đà tăng này.
Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ trải qua năm 2024 nhiều thách thức?
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng trưởng 2 con số trong năm qua, nên giới phân tích cho rằng mất điểm đôi chút vào đầu năm là điều bình thường, tuy nhiên liệu đây có là xu hướng cho cả năm giao dịch hay không?
Trên thị trường chứng khoán Mỹ có học thuyết nổi tiếng: as goes January, so goes the year (tháng đầu có xuôi, thì cả năm mới lọt), hiểu theo cách khác, tháng 1 tăng điểm là do giới đầu tư dự cảm 1 năm tốt để bắt đầu mua vào, gieo lợi nhuận cho 1 năm và ngược lại.
Tuy nhiên dự cảm đó cũng có thể có ngoại lệ khi bị tác động bởi các yếu tố ít xuất hiện hoặc có kết quả bất ngờ, như bầu cử tổng thống chẳng hạn.
Theo lịch sử ghi nhận từ năm 1928 tới nay, có tổng cộng 24 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chỉ số S&P 500 tăng điểm ở 20 cuộc, tương đương xác suất 80%. 2/4 cuộc mất điểm gần nhất là năm 2000 và 2008. Năm 2000 là do kết quả bị công bố muộn, còn 2008 là xảy ra suy thoái kinh tế.
Chuyên gia nhận định thị trường quốc tế năm 2024
Với Phố Wall, thời điểm này dường như vẫn còn sớm để đánh giá những diễn biến cho cả năm. Vậy các thị trường lớn khác như châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc sao, các chuyên gia đã có những dự đoán như thế nào?
Ông Oliver Roth, nhà phân tích chứng khoán, Đức, cho biết: "Chỉ số chứng khoán DAX của Đức leo dốc từ mức rất thấp lên mức cao kỷ lục 17.000 điểm. Tháng 1 thường được xem là thước đo tốt hay xấu cho cả một năm của thị trường chứng khoán. Đó là lý do vì sao nhà đầu tư sẽ theo dõi rất chặt những ngày giao dịch tới".
Trong khi đó, ông Hiromi Yamaji, CEO Tập đoàn Chứng khoán Nhật Bản, nhận định: "Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 28% năm 2023, mức cao nhất một thập kỷ. Tôi tin rằng chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong 2024 nhờ dòng vốn vẫn đang dịch chuyển tới Nhật Bản trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, cũng như nhu cầu ngày càng tăng đối với các công ty Nhật Bản có hoạt động kinh doanh và đầu tư vốn mạnh mẽ".
"Vào cuối năm 2024, chỉ số MSCI China Index có thể tăng gần 6% so với mức hiện nay, trong khi các chỉ số CSI 300 và Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) cũng đạt kết quả tích cực lần lượt là 7,6% và 6,2%. Sự khởi sắc này là nhờ chính phủ Trung Quốc đang triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và thị trường chứng khoán", bà Laura Wang, chuyên gia kinh tế Morgan Stanley, đánh giá.
Các yếu tố tác động đến thị trường hàng hóa năm 2024
Đó là câu chuyện của lĩnh vực chứng khoán. Bên cạnh đó, năm 2024 cũng đang được dự báo là một năm thách thức đến các thị trường hàng hóa, khi những nguyên nhân gây biến động của năm 2023 chưa kết thúc, cùng với các yếu tố mới xuất hiện có thể gây ảnh hưởng đáng kể trong năm nay.
Mặt hàng vàng đen được xem là một trong những lĩnh vực biến động nóng nhất trong năm 2023 và xu thế này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm mới. Các chuyên gia cảnh báo, thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực từ tình trạng dư cung, khi các nhà sản xuất ngoài nhóm OPEC+, đặc biệt là Mỹ tiếp tục đẩy mạnh khai thác.
"Nỗ lực của OPEC+ đang gặp vấn đề lớn, đó chính là hoạt động sản xuất của Mỹ với mức sản lượng khổng lồ và còn nhiều nước khác cũng đang tăng sản lượng như Brazil, Canada hay Guyana", ông Paul Sankey, Chủ tịch Công ty nghiên cứu Sankey Research, nhìn nhận.
Một số dự báo cho rằng, sản lượng dầu của Mỹ có thể đạt ngưỡng 13,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại đạt được hồi tháng 9 năm ngoái. Trong khi đó, bản thân nội bộ OPEC+ lại đang bất đồng về chính sách cắt giảm chung cho cả khối, bất chấp động thái cắt giảm tự nguyện của Nga, Saudi Arabia và một số nước khác.
Trái ngược với dầu thô, bức tranh thị trường kim loại lại tương đối sáng, khi sau giai đoạn giảm giá trong năm ngoái, các mặt hàng chủ chốt như đồng, nhôm và thép dự báo sẽ đi lên trở lại. Nhu cầu sản xuất tăng của các thị trường lớn như Ấn Độ và Trung Quốc được kỳ vọng là lực đẩy chính với các mặt hàng kim loại cơ bản.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, một số kim loại vẫn được dự báo dư cung trong năm nay, như niken và lithium, bất chấp xu hướng xe điện củng cố nhu cầu dài hạn của các mặt hàng này.
Trong năm ngoái, các cuộc xung đột, hiện tượng El Nino và chính sách kiểm soát xuất khẩu của nhiều nước đã góp phần gây ra những biến động mạnh với thị trường ngũ cốc thế giới. Đặc biệt, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati của Ấn Độ - nhà xuất khẩu lúa gạo lớn nhất hành tinh, đã giúp đẩy giá gạo thế giới lên mức cao nhất trong 15 năm qua.
Những thách thức này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ tăng nhập khẩu các mặt hàng như ngô, đậu tương và lúa mì, tạo thêm áp lực tăng giá với các thị trường này.
Năm 2024 có những biến động nào đáng chú ý với kinh tế Mỹ?
Những biến động trên không chỉ là câu chuyện riêng của giới đầu tư, mà còn cần thiết với các doanh nghiệp hay người tiêu dùng, bởi diễn biến của thị trường tài chính cũng thường được xem là một chỉ báo về những chuyển động trong nền kinh tế.
Chuyên trang Investopedia khảo sát ý kiến độc giả về những yếu tố có thể ảnh hưởng tới thị trường, có 4 yếu tố khiến họ suy nghĩ nhất. Ảnh hưởng nhất họ cho là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Diễn biến tiếp theo của xung đột tại Trung Đông và nguy cơ suy thoái kinh tế được xếp ngang nhau và thứ 4 là lạm phát.
Các đầu tàu kinh tế chính như Mỹ, Trung Quốc và khu vực Eurozone đều được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng dương trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Đó là với nước Mỹ, còn với thế giới, các học giả của Đại hoc Kinh doanh Harvard cho rằng đó sẽ là lạm phát, lãi suất, các cuộc xung đột và bầu cử tổng thống Mỹ.
Lạm phát được dự báo sẽ giảm trên phạm vi toàn cầu. Một số ngân hàng trung ương lớn như FED sẽ sớm hạ lãi suất. Riêng các cuộc xung đột hiện nay và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cần có thêm thời gian.
Dự báo tăng trưởng các nền kinh tế lớn năm 2024
Liên Hợp Quốc cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, phản ánh những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Tuy nhiên nhìn chung, các đầu tàu kinh tế chính như Mỹ, Trung Quốc và khu vực Eurozone đều được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng dương trong năm nay. Điều này khiến cho giới đầu tư cũng như các doanh nghiệp có thể phần nào yên tâm hơn về những biến động kinh tế trong năm 2024.