PBoC ngày 20/1 thông báo hạ 10 điểm cơ bản cho lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm, từ 3,8% về 3,7%; hạ 5 điểm cơ bản đối với kỳ hạn 5 năm, từ 4,65% về 4,6%, lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020, do dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại, nguy cơ kéo giảm nền kinh tế nước này.
Trước đó, tháng 12/2021, PBoC đã hạ LPR đối với 1 năm lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
Động thái cắt giảm lãi suất mới nhất của PBoC cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn suy giảm của nền kinh tế, trong bối cảnh một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới khác và tình hình rối loạn trên thị trường tài chính.
Kết quả thăm dò của Reuters mới đây cho thấy, toàn bộ 43 người được hỏi đều dự đoán LPR kỳ hạn 1 năm giảm tháng thứ 2 liên tiếp, trong đó 40 người dự báo LPR kỳ hạn 5 năm cũng giảm 2 tháng liên tiếp.
Hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa trên LPR một năm. Lãi suất 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp.
Việc cắt giảm LPR 5 năm cho thấy "các nhà chức trách Trung Quốc muốn giảm chi phí cho vay tín dụng, do đó, tổng tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ phục hồi sau Lễ hội mùa xuân để giảm bớt áp lực lên kinh tế vĩ mô", Marco Sun, giám đốc phân tích tài chính của công ty MUFG nhận định.
"Chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn còn một số dư địa để nới lỏng trong nửa đầu năm nay, tùy thuộc vào hiệu ứng truyền tải chính sách và mục tiêu tăng trưởng do cuộc họp quốc hội thường niên vào tháng Ba đặt ra."
Trong những tháng gần đây, PBoC đã cắt giảm yêu cầu lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ, nhằm thúc đẩy các tổ chức tài chính cho các công ty và tổ chức khác vay nhiều tiền hơn, một bước đi sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Mới đây, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy GDP trong năm 2021 của nước này tăng 8,1%, tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ qua.