Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.087 VND/USD (giảm 5 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.900 đồng/USD và bán ra 23.940 đồng/USD, giá mua không đổi nhưng giá bán giảm 40 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 21/6/2022
ĐVT: VND/USD
USD quốc tế giảm
USD Index hiện ở mức 104,41 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,15% ở mức 1,0525. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,04% ở mức 1,2256. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,01% ở mức 135,09.
Theo Reuters, đồng USD đã điều chỉnh giảm nhẹ trong phiên đầu tuần do không nhận được nhiều hỗ trợ từ cuộc thảo luận về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng trở lại 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo. Thêm vào đó, tâm lý rủi ro được hỗ trợ bởi quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khi cơ quan này không cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản mặc dù áp lực lạm phát đã giảm rõ ràng và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong những tuần gần đây.
Cuối tuần qua, Thống đốc Fed Christopher Waller, cho biết ông sẽ "dốc toàn lực" để giảm lạm phát và sẵn sàng cho một đợt tăng lãi suất khác thêm 75 điểm cơ bản khi Fed họp lại vào tháng 7. Ông loại trừ một kịch bản cực đoan hơn là tăng 100 điểm cơ bản và cảnh báo rằng thị trường sẽ bị sốc. Waller được biết đến với sự ủng hộ chính sách thắt chặt quyết liệt và việc ông phủ nhận mức tăng này được coi là dấu hiệu cho thấy rằng sẽ không có bất kỳ sự đồng thuận nào cho một bước đi như vậy trong tương lai gần, bất chấp nhận xét từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và đồng nghiệp của Waller ở Fed Loretta Mester đều cho rằng lạm phát có khả năng vẫn ở mức cao trong nửa năm còn lại.
Trong khi đó, đồng euro đã tăng và rõ ràng không phản ánh tin tức về việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mất sự ủng hộ đa số trong quốc hội tại các cuộc bầu cử quốc gia do sự gia tăng ủng hộ đối với các đảng ở cả hai thái cực chính trị. Điều này gây nghi ngờ về khả năng mở rộng chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp của ông.
Cuối tuần qua, Chính phủ Đức đã cam kết thêm ngân quỹ để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt thay thế cho mùa đông và cũng tuyên bố sẽ khởi động lại một số nhà máy nhiệt điện than. Đây được xem là một tín hiệu mạnh mẽ về chính sách hỗ trợ nền kinh tế từ chính phủ. Lý do cho bước đi này là do lạm phát giá sản xuất của Đức trong tháng 5 đã đạt mức cao kỷ lục. Giá khí đốt bán buôn đã tăng mạnh trong tuần trước khi Nga cắt giảm nguồn cung cho các khách hàng châu Âu và đã tăng thêm 5% vào đầu phiên giao dịch hôm đầu tuần.
Ở một diễn biến khác, đồng bảng Anh đã tăng cao hơn, bất chấp triển vọng về một tuần gián đoạn việc đi lại do các cuộc đình công vào mạng lưới đường sắt quốc gia và tàu điện ngầm ở London.