VCBS phân tích trong tháng 8, CPI giảm nhẹ 0,07% so với tháng 7, ghi nhận tháng 8 duy nhất có CPI giảm so với tháng 7 trong một thập kỷ qua. “Nguyên nhân chính chính của diễn biến này đến từ việc giảm giá mạnh của mặt hàng năng lượng trong đó có lần giảm giá xăng dầu vào cuối tháng 7 và giảm giá gas vào đầu tháng 8”, VCBS nhận định.

Theo đó, nhóm Giao thông giảm mạnh nhất (-2,12%) và sau đó là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,45%). Ở chiều ngược lại, có 7/11 nhóm hàng ghi nhận mức tăng của chỉ số giá. Trong đó dẫn đầu là nhóm Giáo dục (+0,87%) với hiệu ứng chuẩn bị năm học mới và nhóm May mặc, giày dép và mũ nón (+0,28%).

Triển vọng giá cả hàng hoá nguyên liệu, đặc biệt là năng lượng và xăng dầu, ở mức thấp sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kịch bản tăng thấp của CPI trong phần còn lại của năm.

 

CPI có khả năng lập đáy mới trong tháng 9

Trong tháng 9, CPI sẽ chịu áp lực tăng từ yếu tố mùa vụ bắt đầu năm học mới nhưng ngược lại, hai lần giảm mạnh (hơn 10%) của giá xăng dầu gần đây được dự báo sẽ có tác động trực tiếp lần một làm CPI giảm khoảng 0,2% - 0,25%.

Từ cơ sở này, VCBS đánh giá CPI tháng 9 sẽ không tăng hoặc chỉ tăng rất nhẹ khoảng 0,05%(so với tháng 8), tương ứng mức tăng 0,2% - 0,26% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời hạ dự báo tỷ lệ lạm phát cả năm 2015 xuống mức 1,5% - 1,8%.

Những diễn biến không tích cực và dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, theo VCBS đánh giá, sẽ có tác động tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, trong ngắn hạn tác động từ yếu tố này sẽ chưa sớm được thể hiện, ít nhất là cho đến hết năm nay.  Hãng này dự báo GDP 9 tháng đầu năm có thể đạt mức tăng 6,3%-6,35% và cả năm 2015 nhiều khả năng sẽ vào khoảng 6,4% - 6,5%.

Đức Anh