Trong đó, xuất khẩu giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 292,5 tỷ USD, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2019; nhập khẩu giảm 4% chỉ đạt 299,5 tỷ USD. Nguyên nhân do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) diễn biến phức tạp ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp, cơ quan, trường học phải nghỉ kéo dài, người dân cũng hạn chế ra đường, kinh doanh của các đơn vị trì trệ.
Tổng số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc đại lục tính đến hết ngày 8/3 đã lên tới 80.735 ca, trong đó 3.119 ca tử vong.
Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2020 là 7,09 tỷ USD, trái với thặng dư 41,5 tỷ USD của 2 tháng đầu năm ngoái.
Cũng trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản lần lượt giảm 14,2%, 19,6% và 15,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã giảm mạnh trong thời gian này, từ 42 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 25,4 tỷ USD. Trong khi đó, thương mại của Trung Quốc với các nước ASEAN tăng 2%.

Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm mạnh 17,3% trong 2 tháng đầu năm 2020, chỉ đạt 5.489,2 tấn.

Vào thời điểm trước khi virus SARS-CoV-2 bùng phát, hoạt động thương mại của Trung Quốc đã bất ngờ phục hồi bất chấp cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Năm ngoái, xuất khẩu hàng hóa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 0,5% so với năm 2018.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi kể từ khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020 tại Trung Quốc diễn ra lâu hơn bình thường, do các nhà máy phải đóng cửa để ngăn chặn đà lây lan của virus corona.
Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã làm tiêu tan những nỗ lực của cả Bắc Kinh và Washington nhằm dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt với đối phương trong một thỏa thuận "đình chiến" được ký kết vào tháng 1/2020. Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 27,7% trong 2 tháng đầu năm 2020 xuống còn 43 tỷ USD. Mức giảm này thậm chí còn cao hơn con số 12,5% của tháng 12/2019. Trong khi đó, mặc dù nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đã tăng 2,5%, lên 17,6 tỷ USD, song Trung Quốc vẫn ghi nhận thặng dư thương mại hơn 25 tỷ USD với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng để hạn chế thiệt hại kinh tế bằng cách yêu cầu các quan chức địa phương ở những khu vực được coi là có nguy cơ nhiễm bệnh thấp tạo điều kiện cho các nhà máy mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thô và nhân lực, bởi các biện pháp kiểm soát di chuyển vẫn được áp dụng ở nhiều khu vực.
Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng sụt giảm thương mại trong hai tháng qua. Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy mặc dù dịch virus Covid-19 đã khiến toàn bộ ngành sản xuất của nước này bị ngưng trệ trong tháng 2/2020, nhưng nước này đã nhập khẩu 176,8 triệu tấn quặng sắt trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng 1,5% so với 174,3 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do các nhà nhập khẩu Trung Quốc gia tăng tích trữ quặng sắt trước dịp nghỉ dài Tết Nguyên đán trong tháng 1/2020.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 1/2020, dịch virus Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc đã buộc các nhà máy sản xuất thép phải kéo dài thời gian ngưng hoạt động để phòng chống dịch, khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt giảm xuống. Ngoải ra, dịch bệnh khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ, làm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm sắt thép và đẩy mức tồn kho sắt thép lên cao cũng khiến các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc giảm công suất hoạt động cũng như giảm nhu cầu về quặng sắt. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho biết sự điều chỉnh giảm công suất hoạt động của các nhà máy sản xuất thép không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu sử dụng quặng sắt.
Theo số liệu của hãng tư vấn thị trường Mysteel, công suất sản xuất của 247 nhà máy sản xuất thép chính tại Trung Quốc, tính đến ngày 6/3, hiện đạt 73,78% mức thông thường. Tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc Baowu Steel Group cho biết hầu hết các nhà máy của hãng này, bao gồm cả các nhà máy tại Vũ Hán – tâm điểm dịch virus Covid-19 của Trung Quốc, đã quay trở lại hoạt động bình thường.
Nhập khẩu kim loại đồng cũng tăng trong 2 tháng đầu năm 2020 lên trên 840.000 tấn, cao hơn 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh hưởng tới toàn cầu
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định, Trung Quốc đình trệ sản xuất khiến xuất khẩu toàn cầu mất 50 tỷ USD. Trung Quốc giữ vai trò là trung tâm sản xuất đối với nhiều doanh nghiệp toàn cầu, do đó bất kỳ sự gián đoạn nào về sản lượng của Trung Quốc sẽ gây hậu quả đối với bất kỳ nơi nào trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Theo UNCTAD, khoảng 20% thương mại toàn cầu về các sản phẩm trung gian được sản xuất ở Trung Quốc, tăng gấp 5 lần so với mức chỉ 4% trong năm 2002. Riêng tháng 2 vừa qua, hầu hết hoạt động chế tạo của Trung Quốc bị đình trệ do nhiều khu vực của nước này bị phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19, dẫn tới làm giảm 2% xuất khẩu các sản phẩm trung gian cả năm của Trung Quốc.
Dịch bệnh ở Trung Quốc đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực đến khu vực Châu Á, nơi có những nền kinh tế tham gia vào chuỗi cung ứng như cung cấp linh kiện và nguyên liệu thô cho các nhà máy Trung Quốc để lắp ráp điện thoại thông minh, đồ chơi, đồ gia dụng và các mặt hàng tiêu dùng khác. Các trung tâm mua sắm, nhà hàng và nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã bị đóng cửa. Nhu cầu đối với các nhà cung cấp tạp hóa trực tuyến tăng cao nhưng doanh số bán các loại hàng hóa khác lại sụt giảm.
Theo UNCTAD, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do xuất khẩu giảm. Cụ thể, EU sẽ chịu tổn thất lớn nhất với mức giảm dự báo khoảng 15,6 tỷ USD, tiếp sau là Mỹ với 5,6 tỷ USD, Nhật Bản 5,2 tỷ USD, Triều Tiên 3,8 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) 2,6 tỷ USD, Việt Nam 2,3 tỷ USD và Thụy Sĩ 1 tỷ USD.
Những lĩnh vực bị tác động lớn nhất ở châu Âu và Mỹ là chế tạo máy và công nghiệp ô tô.
Ngoài ra, theo UNCTAD, trong tháng 2/2020, Trung Quốc cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) xuống còn 35,7 điểm, so với mức 50 điểm trong tháng 1/2020, thậm chí thấp hơn cả mức thấp kỷ lục 38,8 điểm ghi nhận vào tháng 11/2008, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào cuộc khủng hoảng tài chính.
Dịch vụ giao hàng của các hãng lớn tại Mỹ như Amazon, Instacart và Walmart, hiện bị ngưng trệ do lượng đơn hàng quá tải trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa vì lo ngại dịch COVID-19 lan rộng. Hiện đa phần khách hàng muốn đặt đồ trực tuyến nhận được thông báo giao hàng sẽ chậm hơn bình thường. Dịch vụ giao hàng nhanh Prime Now của Amazon từ đầu tuần đã thông báo tình trạng giao hàng bị hạn chế ở các thị trường như Seattle, thành phố New York, khu vực Vịnh San Francisco, Orlando, Chigago, Miami và Boston. Những mặt hàng hiện đã hết hoặc rất khan hiếm trên các trang mua sắm trực tuyến là nước, giấy vệ sinh và giấy lau tay kháng khuẩn. Một số trang hiện chỉ cho phép khách hàng mua một số lượng hàng nhất định đối với mỗi lệnh đặt hàng, nhất là đối với mặt hàng giấy vệ sinh và nước uống.
Trước tình hình đơn đặt hàng ngày càng nhiều, các nhân viên giao nhận phải hoạt động hết công suất và các công ty cũng đã đưa ra khuyến cáo nhân viên phải chủ động có các biện pháp phòng tránh dịch bệnh khi phải giao tiếp với rất nhiều khách hàng mỗi ngày.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất điện thoại thông minh, đồ chơi và các mặt hàng tiêu dùng khác trên thế giới đã mở cửa trở lại song hiệu suất hoạt động sẽ phụ thuộc vào việc chuỗi cung ứng bắt đầu hoạt động trở lại như thế nào. Các chuyên gia dự báo cho biết các ngành công nghiệp khó có thể trở lại sản xuất bình thường trước tháng 4/2020.

Nguồn: VITIC (tổng hợp, dịch)