“Chống dịch như chống giặc” đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế, đây là mục tiêu kép trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Những người làm báo Việt Nam với tiêu chí: “hai nâng, ba dễ, bốn thật” góp phần tạo niềm tin và sức mạnh đồng lòng của toàn dân thực hiện mục tiêu kép đó...

Tâm thế của những người làm báo, cầm bút trong bối cảnh đại dịch Covid hoành hành toàn thế giới và Việt Nam là hướng đến mục tiêu khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển. Ảnhh: Việt Tuấn.
Tâm thế của những người làm báo, cầm bút trong bối cảnh đại dịch Covid hoành hành toàn thế giới và Việt Nam là hướng đến mục tiêu khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển.
Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Đôi cánh để Việt Nam bay lên, một bên là sức mạnh tinh thần; một bên là sức mạnh vật chất dựa trên công nghệ”. Sức mạnh tinh thần ấy có sự đóng góp của giới báo chí.
TRUYỀN NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC CHO XÃ HỘI

Đảng ta luôn xác định báo chí là công cụ đắc lực trên mặt trận thông tin tuyên truyền. Đảng yêu cầu báo chí phải thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất, phản ánh một cách chủ động và trung thực mọi mặt đời sống xã hội từ trong nước đến quốc tế.

Báo chí là phương tiện thông tin tác động đến đông đảo công chúng một cách thường xuyên, liên tục nhất. Hoạt động của báo chí nhằm tập hợp, giáo dục và thuyết phục đông đảo người dân tham gia giải quyết các vấn đề về kinh tế - văn hóa - xã hội. Vì thế, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối từ Đảng, Nhà nước tới mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm tạo nên sức mạnh để vừa chiến thắng dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Báo chí nói chung không chỉ thực hành chức năng phản ánh xã hội, cung cấp thông tin, luận cứ hướng dẫn tư tưởng và hoạt động cho người đọc, người xem, người nghe mà còn phục vụ nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Báo chí thực sự là vũ khí sắc bén, hiệu quả trong mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội. Vì thế ở nước ta mới có “báo chí cách mạng Việt Nam”. Đặc biệt trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, báo chí cần thể hiện rõ nét tính cách mạng trong định hướng dư luận của mình, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép: chống dịch và phát triển kinh tế.
Vua chong dich vua lam kinh te
Ngay từ những ngày đầu chống dịch cho đến nay, báo chí vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vừa phản ánh sinh động thực tiễn đời sống đang diễn ra hàng ngày. Các nhà báo đã không quản khó khăn, hiểm nguy, có mặt ở những điểm nóng dịch bệnh, phản ánh kịp thời, cập nhật nhanh, minh bạch tình hình dịch bệnh, thông tin những tấm gương người tốt việc tốt, những tấm lòng cao đẹp và cả những vi phạm, bất cập, có người, có nơi làm chưa tốt, chưa đúng. Qua đó, góp phần giúp cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ tốt lên.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí giữa đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh mục tiêu chống dịch và phát triến kinh tế của báo chí. Tinh thần của báo chí là “phò chính, diệt tà”. “Chính” là báo chí cần truyền những năng lượng tích cực cho xã hội, để lan tỏa, nhân rộng. Đó là những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy trong và sau đại dịch.
Truyền thông thông tin phải góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chủ động thực hiện tốt thông tin đối ngoại, tuyên truyền những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Trong đợt chống dịch bùng phát dữ dội lần thứ tư này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhắc nhở yêu cầu cao hơn đối với các cơ quan báo chí. Báo chí cần chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân cũng tức là bảo đảm an toàn y tế, sinh kế cho người dân.
Nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống dịch gắn liền với báo chí, nhưng trong suốt thời gian qua, Chính phủ cũng rất quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động của báo chí. Trong các văn bản chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ luôn có những nội dung liên quan đến báo chí như cách đưa tin, bài phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh phải chính xác, kịp thời cùng các biện pháp để người dân chủ động phòng chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống dịch hiệu quả.
NHÀ BÁO VỚI "HAI NÂNG, BA DỄ, BỐN THẬT”
Chính phủ luôn nhắc nhở “Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và chủ trì với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam cho báo chí...”.

Các tòa báo từ Trung ương đến địa phương đều cử phóng viên, nhóm phóng viên bám sát, tác nghiệp tại những nơi cách ly, các bệnh viện, sân bay, cửa khẩu biên giới... để nắm bắt tình hình và phản ánh kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh.

Hàng chục nghìn tin, bài, hình ảnh về công tác phòng chống Covid-19 của cả nước, của từng địa phương đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Đơn cử như tuyên truyền về các biện pháp, nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 để nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành nghiêm các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch. Thực hiện tốt công tác khử khuẩn, giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang khi ra đường, tại nơi làm việc; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện... Cùng với đó là ứng dụng công nghệ số, kinh tế số, kỹ năng số trong phòng chống dịch.
Là một ấn phẩm chuyên về kinh tế, Tạp chí kinh tế Việt Nam còn là chiếc cầu nối quan trọng giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân. Rất nhiều hoạt động báo chí, truyền thông của Tạp chí Kinh tế Việt Nam thời gian qua đều hướng tới doanh nghiệp, tới người lao động, các địa phương kết nối tìm giải pháp thực hiện đạt mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tất nhiên trong hoạt động tuyên truyền, việc truyền tải các nghị quyết, chính sách cũng như tinh thần của Chính phủ đến với mọi người dân không hề đơn giản và cứng nhắc. Vì thế, các nhà báo phải thực hiện “hai nâng”: nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ, về chuyên môn và nâng cao phẩm chất, đạo đức của người làm báo.
Đồng thời thực hành “bốn thật”: nhìn vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, viết thật. Chính từ đó tạo ra nội dung truyền tải “ba dễ”: dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát...

Nguồn: Lý Hà/VnEconomy